Trong chương trình “The Tonight Show” của truyền hình NBC phát ngày 6-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác nhận ông sẽ tới thành phố St.Petersburg vào tháng 9 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20. Ông Obama tỏ ra thất vọng vì Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden và cho rằng đôi khi Nga “có cách suy nghĩ và tâm lý của thời kỳ chiến tranh lạnh”.
Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Obama hủy kế hoạch hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại hội nghị G20 tổ chức tại Mátxcơva vào tháng tới. Động thái này được cho là nhằm phản ứng lại việc Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho cựu điệp viên Snowden. Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “Đó là chuyện của quá khứ”. Vì vậy, ông Obama cho rằng không có lý do gì Mỹ và Nga không thể hợp tác hiệu quả hơn.
Cũng trong diễn biến được cho là tích cực trong quan hệ Nga - Mỹ, theo Reuters, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tới Nga gặp những người đồng cấp Nga là Sergey Lavrov và Sergei Shoigu vào ngày 9-8. Dĩ nhiên là trong các cuộc đàm phán không loại trừ chuyện Snowden.
Vì sao Washington lại có bước đi được cho là khá bất ngờ như vậy so với những tuyên bố cứng rắn với Nga trước đó không lâu qua vụ Snowden, kể cả chuyện từ bỏ các cuộc gặp cấp cao? Lý giải cho vấn đề này, thứ nhất, có thể thấy rằng tình hình bất ổn ở Syria và toàn vùng Trung Đông, Bắc Phi cũng như vấn đề hạt nhân của Iran đang đòi hỏi Mỹ hợp tác với Nga, nhất là trong bối cảnh Mỹ sẽ hoàn tất rút quân khỏi Iraq và Afghanistan trong năm 2014. Nguy cơ mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trỗi dậy ở những điểm nóng này đẩy an ninh Mỹ vào tình thế bất lợi.
Vụ việc Mỹ đóng cửa hàng loạt cơ quan ngoại giao ở Trung Đông và Bắc Phi cho thấy giờ đây, đe dọa khủng bố là nguy cơ lớn nhất chứ không phải là “trục trặc” trong quan hệ với Nga.
Thứ hai, sau sự kiện đánh bom khủng bố ở Boston hồi tháng 4, trong đó nghi phạm chính đến từ khu vực Tresnia của Nga, Mỹ hẳn đã nhận ra phần nào chính sách hai mặt trong cuộc chiến chống khủng bố của mình mới dẫn đến hậu quả như vậy. Mỹ và Anh từng cưu mang nhiều phần tử ly khai và khủng bố từ Tresnia sang. Quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga, nhất là trong lĩnh vực chống khủng bố sẽ giúp Mỹ chặn bớt nguy cơ khủng bố, ít nhất là từ Tresnia.
Thứ ba, chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ được giải thích như thế nào nếu ông Obama không tham dự hội nghị G-20, trong đó có nhiều thành viên của nhóm này cũng là thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), kể cả Nga. G-20 cũng là cơ hội tốt để Mỹ thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các thành viên của G-20 gồm Australia, Canada, Nhật Bản và Mexico.
Cuối cùng, cải thiện quan hệ với Nga và EU từng là mục tiêu ngay từ khi ông Obama nhậm chức năm 2009 cho đến nay. Do đó, trong nhiệm kỳ cuối của mình, ông Obama không muốn đẩy mối quan hệ này trở về vị trí xuất phát như thời của người tiền nhiệm. Vấn đề là Nhà Trắng phải giải quyết vụ Snowden như thế nào trước áp lực ngày càng tăng của Quốc hội trong khi vẫn muốn duy trì mối quan hệ có lợi với Nga.
KHÁNH MINH