Mỹ thừa nhận gây ra khủng hoảng ở Ukraine

Sputnik ngày 2-2 đưa tin, trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài CNN, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận Washington có vai trò trong vụ đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych.
Mỹ thừa nhận gây ra khủng hoảng ở Ukraine

Sputnik ngày 2-2 đưa tin, trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài CNN, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận Washington có vai trò trong vụ đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych.

Lập chính quyền thân phương Tây

Ông Obama cho biết, lý do dẫn đến hành động trên bắt nguồn từ việc Tổng thống Putin quyết định sáp nhập Crimea vào tháng 3-2014 và ủng hộ lực lượng ly khai miền Đông Ukraine. Mục đích của Mỹ là thành lập một chính quyền thân phương Tây. Hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra lật đổ Chính phủ khiến Tổng thống Yanukovych bỏ chạy trước khi Mỹ đứng ra làm trung gian thỏa thuận để chuyển đổi quyền lực ở Ukraine.

Các trận giao tranh khiến khu vực cư dân ở Đông Ukraine bị hư hại nặng.

Trước đó, bà Victoria Nuland, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu đã thừa nhận về khoản tiền trị giá 5 tỷ USD mà Mỹ tài trợ cho các tổ chức đối lập ở Ukraine trong vụ lật đổ chính phủ cũ. Đây là những bằng chứng cho thấy Mỹ đã tham gia trong vụ đảo chính, làm thay đổi tình hình kinh tế chính trị ở quốc gia này dẫn đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cũng theo hãng tin CNN, tỷ phú George Soros cũng từng thừa nhận lập một quỹ ở Ukraine trước khi Ukraine độc lập với Nga. Quỹ trên đã hoạt động liên tục kể từ đó và đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện diễn ra ở Ukraine. Hiện nay, đang có những nghi ngờ cho rằng các mật vụ của CIA và FBI đang giúp Kiev chấm dứt cuộc bạo loạn ở miền Đông Nam Ukraine. Các mật vụ này đã hỗ trợ để đưa Chính phủ Ukraine hiện thời lên nắm quyền sau khi lật đổ ông Yanukovych.

Kể từ sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng lên hồi cuối năm 2013, Nga, Mỹ và phương Tây liên tục chỉ trích, đổ lỗi cho nhau về tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Âu này. Phía Mátxcơva cho rằng việc Mỹ và phương Tây gây bất ổn ở Ukraine nằm trong chiến lược bao vây, kiềm chế Nga của các cường quốc này.

Cân nhắc viện trợ vũ khí sát thương

Trước tình hình chiến sự leo thang tại miền Đông Ukraine, chính quyền của Tổng thống Obama đang cân nhắc việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev trong cuộc chiến với phe chống đối. Lượng vũ khí này có trị giá khoảng 3 tỷ USD, gồm cả tên lửa chống tăng và máy bay trinh sát không người lái. Vấn đề viện trợ vũ khí sát thương có khả năng sẽ được đưa ra trong chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Kerry vào ngày 5-2 tới. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ hội đàm với Tổng thống Petro Poroshenko cùng các quan chức cấp cao của Ukraine về tình hình chiến sự tại miền Đông. Trước đây, chính quyền Obama từng phản đối viện trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev bởi lo ngại sẽ gây nên một cuộc chiến gián tiếp tại Ukraine với Nga. Tuy nhiên, nội các của Tổng thống Obama đã thay đổi cách nhìn nhận vấn đề này.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đồng thời, khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán và một giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và phe chống đối miền Đông Ukraine.

Theo tờ Kommersant, dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ tới Mátxcơva gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 4-2. Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga xuất phát từ tình hình chiến sự leo thang ác liệt ở miền Đông Ukraine trong những tuần gần đây.

Theo ước tính mới nhất của LHQ, hơn 5.100 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai miền Đông Ukraine và quân đội chính phủ Kiev kể từ khi chiến sự nổ ra hồi tháng 4-2014. Lực lượng chống đối đang chiếm lợi thế sau khi giành được quyền kiểm soát sân bay Donetsk chiến lược từ tay quân đội Kiev.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục