Năm 2010: 85% hộ dân TPHCM được sử dụng nước sạch

Sáng hôm qua (24-5), ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo SGGP về cung ứng, sử dụng nước sạch. Chỉ trong 2 giờ, đã có hàng trăm câu hỏi được bạn đọc gửi đến đề cập hàng loạt vấn đề như: tình trạng thiếu nước; nước vàng, nước đục; thất thoát nước… và cả những vấn đề liên quan đến quy hoạch và phát triển ngành cấp nước.
Năm 2010: 85% hộ dân TPHCM được sử dụng nước sạch

Sáng hôm qua (24-5), ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo SGGP về cung ứng, sử dụng nước sạch. Chỉ trong 2 giờ, đã có hàng trăm câu hỏi được bạn đọc gửi đến đề cập hàng loạt vấn đề như: tình trạng thiếu nước; nước vàng, nước đục; thất thoát nước… và cả những vấn đề liên quan đến quy hoạch và phát triển ngành cấp nước.

  • Tháng 7-2010: Huyện Nhà Bè hết “khát”

Nhiều bạn đọc đã gửi email đến chương trình, chất vấn lãnh đạo Sawaco về kế hoạch phát nước tại nhiều khu vực mà người dân chưa được tiếp cận nguồn nước.

Bạn đọc Nguyễn Vũ Anh (ở 481/21 đường Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp) phản ánh gia đình hiện phải sử dụng nguồn nước không được đảm bảo vì gần khu dân cư là nghĩa trang Hoàng Mai. Bạn đọc honghanh_75@yahoo.com hỏi khi nào dự án nước Cần Giờ phát nước; bạn đọc truongthanhnghi@gmail.com (ở 66/13 đường 26-3, phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân) đặt vấn đề: Bao giờ người dân khu vực đường 26-3 phường Bình Hưng Hòa sẽ được dùng nước sạch?

Ông Trần Đình Phú trả lời: Theo kế hoạch, dự kiến cuối năm 2010 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ sẽ hoàn tất. Còn Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn đang mời thầu chọn đơn vị thi công lắp đặt hệ thống cấp nước tại khu vực phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Dự kiến sẽ khởi công vào quý 3 năm 2010.

Bạn đọc nhingoc@yahoo.com, donglamxanh@yahoo.com  hỏi: Khi nào người dân trong khu vực sẽ được tiếp cận nguồn nước sạch tại Nhà máy nước BOO Thủ Đức và trong năm nay nước sạch có thể phủ kín huyện Nhà Bè?

Ông Trần Đình Phú trả lời: Dự kiến đến đầu tháng 6-2010, Sawaco sẽ tiếp nhận nguồn nước từ BOO Thủ Đức giai đoạn 2. Theo tính toán, dự kiến tổng lượng nước trong  giai đoạn 2 là khoảng từ 186.000 – 197.500m³/ngày và tùy theo tình hình thực tế, có thể điều tiết sản lượng tiếp nhận cho phù hợp trong biên độ tiếp nhận 200.000m³/ngày, trực tiếp giải quyết tình trạng thiếu nước, tăng áp lực cho khu vực quận 7, phường 1, 2, 3 (quận 8), phường 4 (quận 4).

Riêng tại khu vực huyện Nhà Bè thì áp lực nước sẽ cải thiện so với tình hình cấp nước hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn phải tiếp tục cấp nước bằng xe bồn và sà lan. Tình trạng thiếu nước của khu vực huyện Nhà Bè sẽ được giải quyết căn cơ khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước giai đoạn 3 với tổng công suất 300.000m³/ngày, dự kiến vào khoảng đầu tháng 7-2010.

  • Người tạm trú cũng được hưởng định mức nước

Liên quan đến định mức nước dành cho người tạm trú, bạn đọc Thu Hà (dong_lam_xanh@yahoo.com) đặt câu hỏi: “Tôi có hộ khẩu tại TPHCM, hiện đang thuê nhà ở quận Bình Tân, tôi phải làm những gì để được hưởng định mức nước?”. Bạn đọc Nguyễn Việt Thắng ở quận Gò Vấp hỏi: “Chúng tôi thuê nhà nguyên căn có đồng hồ nước chính nhưng vẫn phải trả giá 10.800 đồng/m³. Làm thế nào để chúng tôi được hưởng định mức nước 4.000 đồng/m³ theo quy định của nhà nước?”.

Vấn đề này được ông Trần Đình Phú trả lời: Để được hưởng định mức nước, khách hàng nộp cho đơn vị  cấp nước bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ  tạm trú của tất cả các nhân khẩu muốn đăng ký tại địa chỉ gắn đồng hồ nước (có thị thực hoặc kèm bản chính đối chiếu). Căn cứ số nhân khẩu trong sổ hộ khẩu tạm trú, công ty sẽ cấp định mức từ kỳ hóa đơn tiền nước đầu tiên. Trong quá trình sử dụng nước, nếu hộ gia đình có biến động tăng nhân khẩu, có thể đăng ký bổ sung định mức.

Trường hợp người nhập cư, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên), để đăng ký định mức, cần các giấy tờ sau: Bản sao hợp đồng thuê nhà thời hạn 12 tháng trở lên, có xác nhận của địa phương hoặc công chứng; bản sao sổ đăng ký lưu trú hoặc giấy xác nhận lưu trú có thời hạn của công an phường, xã; bản sao hóa đơn tiền nước của nơi muốn đăng ký định mức nước. (Lưu ý định mức nước có hiệu lực theo thời gian trên sổ lưu trú hoặc giấy xác nhận thời hạn lưu trú). Hết thời hạn lưu trú, khách hàng không đăng ký lại định mức sẽ không còn hiệu lực.

Một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm là hiện tượng nước đục, nước vàng và hướng giải quyết tình trạng trên. Bạn đọc vongaluc@gmail.com hỏi: “Nước nhà tôi thỉnh thoảng bị đục, vàng kéo dài, xin hỏi nguyên nhân và hướng giải quyết?”. Ông Phú cho rằng, hiện tượng nước vàng đục cục bộ một thời gian ngắn và hết sau khi súc xả khoảng 15 phút là do xáo trộn thủy lực mạng lưới khi vận hành nhà máy trở lại sau khi ngưng nước, bể ống đường ống, bơm rút nước tại các khu vực áp lực thấp… Khi phát hiện hiện tượng nước đục, Sawaco sẽ tiến hành súc xả ngay, đồng thời xác định khối lượng nước đục cần phải xả bỏ và phối hợp với địa phương để xác định khu vực và số ngày nước bị đục để khấu trừ lượng nước đục cho khách hàng theo nguyên tắc trung bình tiêu thụ trong kỳ hóa đơn xảy ra hiện tượng nước đục.

  • Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác

Không chỉ đề cập đến những vấn đề cụ thể, bạn đọc khá quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển ngành nước. Bạn đọc Hà Hải Anh (phường 6, quận 5) đặt vấn đề: Sawaco có kế hoạch gì để đáp ứng nhu cầu về nước sạch của người dân TP trong năm 2010? Ông Trần Đình Phú trả lời: Đến cuối năm 2009, có 1.034.156 hộ dân sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước của Sawaco, đạt tỷ lệ 83,76%. Trong năm 2010, Sawaco dự kiến nâng tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch lên 85%, tương ứng 1.100.000 hộ dân sử dụng nước sạch.

Trẻ em huyện Nhà Bè vui vì được sử dụng nước sạch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trẻ em huyện Nhà Bè vui vì được sử dụng nước sạch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để đạt tỷ lệ trên, Sawaco có kế hoạch đầu tư phát triển gần 44km đường ống cấp 1, 2 và 373 km đường ống cấp 3, phục vụ gắn mới hơn 60.000 đồng hồ nước, nhằm tiếp nhận và tiêu thụ hết công suất 300.000m³/ngày của Nhà máy nước BOO Thủ Đức. Bên cạnh đó, Sawaco còn đầu tư 42km tuyến ống truyền dẫn nước sạch cho huyện Cần Giờ và 44km đường ống cấp 1, cấp 2 tiếp nhận nước Nhà máy nước Kênh Đông.

Còn bạn đọc Nguyễn Mai Hoàng (phường Cô Giang, quận 1) hỏi: Sawaco làm gì để nâng tầm phát triển ngành nước của TP ngang với các nước trong khu vực? Ông Trần Đình Phú thông tin: Sawaco phấn đấu trong 5 năm tới đưa ngành nước TP tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về cấp nước sạch, chia sẻ và trợ lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tiến đến ngang tầm với các nước trong khu vực.

Trong đó, Sawaco chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hóa ngành nước bằng cách đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung đội ngũ kỹ sư và chuyên viên nhành công nghệ thông tin; kỹ sư và chuyên viên điều khiển tự động; kỹ sư công nghệ hóa – sinh; kỹ sư cấp nước… Đặc biệt là đào tạo nhanh và bố trí công việc cho đội ngũ quản lý hệ thống cấp nước trong khu vực, giữ vai trò trọng yếu trong công tác; kiểm soát hệ thống mạng; duy tu, bảo trì, chống thất thoát nước; ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xử lý nước.

Ngoài ra, thực hiện kế hoạch hiện đại hóa các nhà máy xử lý nước Thủ Đức, Tân Hiệp như sử dụng hệ thống SCADA điều hành sản xuất; vận hành các máy biến tần, đảm bảo chế độ bơm tiết kiệm điện, tự động hóa các khâu châm hóa chất; áp dụng các nguyên liệu hóa chất mới trong xử lý nước; trang bị các thiết bị mới cho phòng thí nghiệm đạt các chuẩn khu vực; đưa vào hoạt động trung tâm điều khiển tự động hệ thống cấp nước… Song song đó, Sawaco tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết đầu tư; nâng cao chất lượng nước; vận hành thông suốt mô hình tổ chức mới công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với bộ máy được xây dựng, cấu trúc theo hướng “tinh, chuyên, nhanh và hiệu quả”

 Không còn“xin-cho”

Bạn đọc Huỳnh Minh (quận Bình Tân) đặt vấn đề:  “Hiện nay, việc cấp đồng hồ nước vẫn còn theo cơ chế xin - cho nên rất dễ xảy ra tiêu cực, nhân viên cấp nước sách nhiễu người dân với câu nói cửa miệng là “thiếu vật tư - chờ”, Sawaco sẽ cải tiến như thế nào để việc cấp đồng hồ nước trở thành quan hệ mua và bán, như thế nó sẽ sòng phẳng với người dân”. Hay bạn đọc Kim Thúy nêu dẫn chứng: “Tôi được biết, việc lắp đồng hồ nước là miễn phí cho người dân, nhưng mới đây một người hàng xóm của tôi lắp đặt đồng hồ phải  đóng hơn 1,5 triệu đồng. Xin hỏi việc thu như vậy đúng hay không?”.

Ông Phú cho biết, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ nước do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thỏa thuận với các đơn vị cấp nước. Theo đó, khách hàng không phải trả chi phí lắp đặt đồng hồ nước.

Trường hợp thu tiền nêu trên, chúng tôi cần bạn đọc cung cấp địa chỉ cụ thể để kiểm tra, xử lý. Hiện nay việc gắn đồng hồ nước không còn cơ chế xin - cho. Các đơn vị cấp nước thuộc Sawaco phải đi tìm khách hàng để phục vụ. Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện giải quyết các yêu cầu của khách hàng thông qua website của các đơn vị, trong đó có việc gắn mới đồng hồ nước.

V.ANH - H.HIỆP - H.VIỆT
Thông tin liên quan:
>> Giao lưu trực tuyến về cung ứng, sử dụng nước sạch

Tin cùng chuyên mục