Năm 2010, “lô cốt” có giảm?

“Quá đát”... vẫn án ngữ
Năm 2010, “lô cốt” có giảm?

Năm 2010, TPHCM chỉ còn hơn 30 km trên tổng số 52 tuyến đường sẽ được đào xới, lắp đặt rào chắn để thi công dự án cải tạo vệ sinh môi trường. Vị trí các rào chắn này sẽ được chuyển dần từ khu vực trung tâm ra các quận, huyện ngoại thành. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nỗi lo…

“Quá đát”... vẫn án ngữ

Anh Minh Trung, chủ một cửa hàng bán quần áo thời trang trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), bức xúc cho biết: “Dọc theo đường Phan Đình Phùng, đoạn từ cầu Kiệu kéo dài đến ngã tư Phú Nhuận chỉ hơn 1km nhưng hiện nay có tổng cộng 5 “lô cốt” đang án ngữ. Giao thông hầu như tê liệt, bất kể giờ giấc, người và xe phải chen chúc nhau trên các lối đi hẹp bên hông “lô cốt”. Song điều làm người dân bức xúc nhất là trong 5 “lô cốt” đang thi công, chỉ có 2 công trình có treo bảng niêm yết thời gian thi công (từ ngày 28-2 đến 10-4-2010), các công trình còn lại đều không niêm yết hoặc có niêm yết nhưng thời gian thi công đã hết hạn từ… năm 2009”.

Quả thật, dọc tuyến đường này vào trưa ngày 7-3-2010, hai công trình đang thi công ở ngã ba Phan Đình Phùng – Nguyễn Trọng Tuyển và ngã tư Phú Nhuận không hề niêm yết thời hạn thi công. Dòng chữ “Thời gian thi công đoạn rào chắn: từ… đến…” bị bỏ trống, bảng công bố các thông tin về công trình cũng bị xô lệch hoặc che khuất, thiếu các biển báo hiệu phân luồng giao thông theo quy định của Sở GTVT. Riêng công trình đang thi công trước nhà số 92 Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận của Tổng Công ty Xây dựng số 1 có niêm yết thời hạn thi công nhưng đã “hết đát” từ cách đây 3 tháng (thời gian thi công từ 22-9 đến 22-11-2009).

“Lô cốt” không niêm yết thời gian thi công trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận). Ảnh: THANH THU

“Lô cốt” không niêm yết thời gian thi công trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận). Ảnh: THANH THU

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các “lô cốt” đang thi công trên nhiều tuyến đường khác ở TPHCM. Đơn cử như vị trí rào chắn trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), đoạn trước cửa siêu thị Big C, đã hết hạn thi công từ tháng 9-2009. Một số công trình đang thi công trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), thời gian thi công cũng bị bỏ trống.

Bên cạnh đó, nhiều vị trí, tuyến đường thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP (khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) như Phan Đình Phùng, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Kiệm… đã được tái lập bê tông nhựa nóng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nay lại bắt đầu sụp lún và bong tróc. Thực tế cho thấy, các đơn vị thi công vẫn chậm cải tạo và khắc phục, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân.

Vướng công trình ngầm

Ông Phạm Văn Long, cán bộ thi công dự án của Công ty liên danh xây dựng V.I.C, cho biết: “Với tư cách là đơn vị thi công, chúng tôi luôn cố gắng triển khai các hạng mục công trình theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, nhiều vị trí thi công hiện nay liên tục vướng các công trình ngầm nên tiến độ thi công cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng”. Đơn cử như công trình đang thi công tại giao lộ Trần Cao Vân – Hai Bà Trưng (quận 1), do “vướng” cáp điện lực, điện thoại và đường ống nước nên quá trình thi công kéo dài hơn so với dự kiến. Ngoài ra, một số vị trí thi công trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn gần vòng xoay Công trường Dân chủ), Nguyễn Kiệm (kéo dài từ ngã tư Phú Nhuận chạy về hướng Gò Vấp)… cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra các công trình đang thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường trên địa bàn TPHCM từ ngày 22 đến 26-2-2010, Thanh tra Sở GTVT TP cho biết đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ, với tổng số tiền xử phạt 6 triệu đồng. Kiểm tra cũng cho thấy, hiện nay nhiều nhà thầu, đơn vị thi công thường xuyên vi phạm các lỗi như không có giấy phép thi công; không có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông thông suốt; không bố trí đủ rào chắn, biển báo theo quy định; không thực hiện theo phương án thi công, gây sạt lở…

So với trước tết, số vụ vi phạm đã giảm hơn 75%. Tuy nhiên, theo nhận xét của một cán bộ thuộc phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT: “Do thời điểm đầu năm mới, nhiều công trình mới thi công lấy ngày chứ chưa thật sự triển khai. Vì vậy số vụ vi phạm chưa nhiều, dự kiến trong những tuần tới, số vụ vi phạm sẽ tăng lên…”.

Trong khi đó, lực lượng Thanh tra GTVT đường bộ hiện nay ở TPHCM chỉ có hơn 100 người, chia làm 6 đội, đảm nhận mọi công tác liên quan đến việc quản lý giao thông đường bộ trên 24 quận, huyện của TP.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra GTVT” với tổng kinh phí đầu tư và thực hiện lên đến 514 tỷ đồng. Hy vọng với những nỗ lực và sự quan tâm của Nhà nước, công tác quản lý giao thông đường bộ trên địa bàn TP sẽ sớm được cải thiện, đảm bảo an toàn, thông thoáng cho người tham gia giao thông.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục