Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, từ đầu năm 2012, nhiều chính sách môi trường mang tính đòn bẩy sẽ được ứng dụng vào thực tế. Trong đó, đáng kể nhất là những chính sách về Luật Thuế bảo vệ môi trường; thắt chặt quản lý thị trường thu gom, chuyển giao và xử lý chất thải; xóa sổ những doanh nghiệp (DN) tái vi phạm môi trường nghiêm trọng.
Mạnh với thuế môi trường
Một trong những luật mới sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2012 chính là Luật Thuế môi trường. Theo đó, những nhóm đối tượng phải chịu thuế là nhiên liệu và sản phẩm từ hóa thạch (xăng, nhiên liệu bay, dầu diezel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu, mỡ nhờn, than, khí thiên nhiên, khí than); dung dịch HCFC (hydrochlorofluorocarbon, làm suy giảm tầng ozone); thuốc lá; hạt và bột nhựa từ sản phẩm hóa dầu, nhựa màng mỏng, phế liệu nhựa nhập khẩu; pin, ắc quy các loại; hóa chất tẩy rửa (trừ các loại chế biến từ thực vật); axít vô cơ, xút và nhóm sơn công nghiệp.
Cụ thể, đối với xăng dầu đang thuộc đối tượng chịu phí xăng dầu. Khi đưa xăng dầu vào đối tượng chịu thuế môi trường dự kiến sẽ bỏ thu phí xăng dầu. Dự kiến mức thu cụ thể được quy định bằng với mức phí xăng dầu hiện hành từ 1.000 - 6.000 đồng để không gây tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng. Đối với than, mức thuế tối thiểu bằng mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành là 6.000 đồng/tấn (khoảng 1% giá bán). Mức thuế tối đa là 30.000 đồng/tấn (khoảng 5% giá bán). Còn túi nhựa xốp được xem là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Do vậy, dự thảo luật quy định mức thu từ 20.000 - 30.000 đồng/kg (khoảng 100%-150% giá bán). Việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán để tác động mạnh đến hành vi của người sử dụng. Đồng thời, người bán hàng cũng không tiếp tục phát miễn phí túi nhựa xốp, giảm dần việc sử dụng túi nhựa xốp. Riêng với nhóm thuốc bảo vệ thực vật – nhóm có tác động mạnh đến đời sống người dân vì nước ta có khoảng 60% dân số sống bằng nghề nông.
Do đó, việc thu thuế ở mức từ 500 - 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, với dung dịch HCFC thường được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như làm lạnh, điều hòa không khí, dập cháy, bọt xốp và dung môi sẽ chịu mức thuế 1.000 – 5.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, dung dịch HCFC là loại khí làm ô nhiễm bầu không khí và là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính nên nước ta đã ký Công ước quốc tế về việc loại bỏ HCFC vào năm 2031.
Triệt để với nguồn thải ô nhiễm
Trên thực tế, việc tăng nhanh nhu cầu sử dụng các chất thải trên trong thời gian gần đây đã và đang khiến cho chất lượng môi trường xấu đi nhanh chóng. PGS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, bằng chứng không thể phủ nhận là tốc độ sử dụng nhiên liệu trong sản xuất và giao thông tăng đã khiến nước ta đang bị xếp tốp 10 nước có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Cục phó Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết thêm, với dung dịch HCFC, chỉ tính riêng trong năm 2010, nước ta đã nhập khẩu và sử dụng gần 3.700 tấn HCFC.
Ước tính, năm 2012, con số này sẽ tăng lên 4.200 tấn. Đó là chưa kể, nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, tủ lạnh đang tăng nhanh và trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân. Nếu ngay từ bay giờ không có những giải pháp kinh tế nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng như hiện nay thì không biết căn bệnh ô nhiễm môi trường sẽ còn trầm kha đến mức nào.
Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc kiểm soát chặt nguồn thải ô nhiễm bao gồm thị trường chuyển giao, xử lý chất thải và khắc phục ô nhiễm của các DN đen cũng được chú trọng. Việc cả nước xử lý hơn 300 DN gây ô nhiễm trọng điểm nhưng lại để phát sinh hơn 3.000 DN khác gây ô nhiễm là điều khó chấp nhận được.
Do vậy, trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp mạnh với các điïa phương rà soát lập danh sách DN gây ô nhiễm. Kế đến thực hiện kiểm tra thường xuyên. Trường hợp DN cố tình tái phạm sau khi đã cho thời hạn khắc phục sẽ bị cưỡng chế buộc tạm ngưng hoạt động. Trên thực tế, việc cưỡng chế ngưng hoạt động đã được triển khai tại TPHCM. 4 DN đã bị thanh tra môi trường buộc tạm ngưng hoạt động bằng hình thức niêm phong máy móc, ngắt điện. Trong thời gian tới, biện pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Ngoài ra, để kiểm soát thị trường chuyển giao, xử lý chất thải, nhất là đối với loại chất thải nguy hại, bộ đã quy định, tùy theo năng lực mà mỗi DN có chức năng xử lý chất thải nguy hại chỉ được ký liên kết tiếp nhận với tối đa 5 đơn vị thu gom chuyển giao. Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng có quá ít đơn vị xử lý nhưng lại có quá nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển. Kết quả là các đơn vị thu gom cứ nhận chuyển giao của DN nhưng lại không chuyển cho đơn vị xử lý mà đổ bừa ra môi trường.
Tại các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, và TPHCM vừa qua đã hình thành nhiều bãi tập kết chất thải nguy hại tự phát xuất phát từ thực tế trên. Việc siết chặt thị trường chuyển giao và xử lý chất thải sẽ khiến giá thành chuyển giao chất thải của DN tăng cao nhưng ngược lại sẽ giúp nhà nước ngăn ngừa được hậu họa phải bỏ hàng trăm tỷ đồng để xử lý bãi tập kết chất thải trái phép và những hệ lụy ô nhiễm môi trường khó lường về sau.
Có thể nói, chính sách môi trường đã dần hoàn thiện, vấn đề còn lại là các điïa phương sớm đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực xử lý chất thải. Đồng thời, mạnh tay triển khai những chính sách trên vào thực tế để tạo sự bền vững cho sự phát triển kinh tế của nước ta.
MINH XUÂN