Năm 2014 - 2015, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP

GDP năm 2013 tăng khoảng 5,4%
Năm 2014 - 2015, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP

Sáng 21-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ năm 2014 - 2015. Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

GDP năm 2013 tăng khoảng 5,4%

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng cho rằng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và kinh tế có bước phục hồi; tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu. Ba đột phá chiến lược (về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thể chế và xây dựng kết cấu hạ tầng) được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số kết quả. Các mặt về an sinh xã hội, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được một số kết quả. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được bảo đảm; hoạt động đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Những hạn chế, yếu kém chủ yếu của nền kinh tế cũng được Thủ tướng chỉ ra như lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu còn chậm, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt kế hoạch. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu.

Về khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Quốc hội đề ra, theo báo cáo: GDP tăng khoảng 5,4% (kế hoạch là 5,5%); kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 14,4% (kế hoạch 10%); tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 0,4% (kế hoạch khoảng 8%); bội chi ngân sách nhà nước ở mức 5,3% GDP (kế hoạch 4,8%); tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 29,1% GDP (kế hoạch khoảng 30%)...

Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ

Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ trình Quốc hội 9 giải pháp quan trọng. Trong đó, hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết.

“Đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013-2014 là 5,3% GDP (thay cho mức 4,8% GDP hiện nay), từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Bảo đảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013 để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013 - 2014. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế... theo lộ trình phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

Trong giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, Thủ tướng cho biết sẽ hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo đề án đã được phê duyệt; đề cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Điều hành lãi suất cho vay phù hợp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Thực hiện có hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Năm 2014 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm 2014 sẽ tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 được Chính phủ đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; bội chi ngân sách 5,3% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,7% - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

PHAN THẢO

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo Kinh tế - xã hội


Ủng hộ tăng bội chi ngân sách có kiểm soát

TS Vũ Viết Ngoạn

TS Vũ Viết Ngoạn

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch trong năm 2013 là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (chỉ đạt 29,1% so với kế hoạch 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP (5,3% so với kế hoạch là 4,8%) một phần do tính toán thiếu sát sao. Ông Vũ Viết Ngoạn phân tích:

Bội chi ngân sách vượt so với kế hoạch là do năm 2013, Chính phủ tính toán không hết. Dự báo thu của ngân sách, nhất là thu của doanh nghiệp, quá cao, trong khi thực tế tăng trưởng kinh tế thấp làm cho doanh nghiệp khó đạt được mục tiêu lợi nhuận của họ. Nhưng đó cũng là một chỉ số để chúng ta thấy rằng cần duy trì tăng trưởng một cách hợp lý để cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn trong giai đoạn hiện nay, để có điều kiện góp phần vào việc tăng thu ngân sách tốt hơn. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng để bảo đảm kinh tế vĩ mô trong trung hạn và dài hạn.

- Phóng viên: Vậy ông có ủng hộ đề xuất về nâng mức bội chi ngân sách?

>> TS VŨ VIẾT NGOẠN: Tôi ủng hộ. Nợ công cũng cần phải quan tâm, nhưng rõ ràng chúng ta phải lo cả trước mắt và lâu dài.

- Theo ông chỉ tiêu trong năm 2014 mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội liệu có cao quá không?

Tôi cho đó là mục tiêu hợp lý. Quan trọng nhất là điều kiện tổ chức thực hiện. Đôi khi chúng ta đưa ra một mục tiêu tương đối sát nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu không kiên định, không tạo được sự đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương thì có thể mục tiêu đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, cùng với đặt mục tiêu, đi liền với đó phải là cả hệ thống các giải pháp và triển khai đồng bộ.

- Và giải pháp chủ yếu là tăng đầu tư công?

Tăng đầu tư công một chút trong điều kiện hiện nay. Còn đi liền với đó vẫn là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, qua đó tạo yếu tố tâm lý ổn định, yên tâm đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì đầu tư tư nhân mới là chính, còn đầu tư công chỉ là “vốn mồi”, để hỗ trợ trong điều kiện khó khăn. Vốn đầu tư nhà nước có vai trò điều tiết thị trường. Khi mà nền kinh tế tăng trưởng nóng quá thì phải giảm bớt đầu tư công và phải điều chỉnh các chính sách để giảm nhiệt nền kinh tế. Còn khi nền kinh tế quá khó khăn, nhà nước vừa phải tăng đầu tư công lên nhưng vừa phải có chính sách nới lỏng để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Vốn vật chất của nhà nước chỉ có giới hạn, chủ yếu là công cụ chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, vốn của nhà nước tuy khó khăn nhưng cũng nên tăng thêm một chút cho đầu tư công.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục