° Xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm
(SGGP).- Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội nêu nhận định, công tác phòng chống tham nhũng 5 năm qua có sự chuyển biến rõ nét với những kết quả nổi bật trên nhiều mặt.
Cụ thể, thể chế, chính sách về phòng chống tham nhũng được hoàn thiện hơn với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo... Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước; trong khi đây thường được coi là khâu yếu. Năm 2015, cơ quan thanh tra phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng tham nhũng, trong khi đó bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015 phát hiện 70 vụ, 104 người. Năm 2015, thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% trong khi năm 2014 chỉ đạt 22,3%; năm 2013 đạt 10%; năm 2011 - 2012 đạt dưới 5%.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng được nhận định là vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Trong số 19 bộ, ngành, địa phương thực hiện xong việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015, có 3 bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng trong phạm vi quản lý của mình là rất nghiêm trọng. Có 5 bộ, ngành, địa phương đánh giá là nghiêm trọng. 7 bộ, ngành, địa phương đánh giá là ít nghiêm trọng và 4 bộ, ngành, địa phương đánh giá là không nghiêm trọng. Đáng lưu ý, Chính phủ nhận định, đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực, mặc dù không nêu thông tin cụ thể.
Đề cập đến việc nộp lại quà tặng, Chính phủ cho biết, năm 2015 đã có 23 người nộp lại quà tặng, với số tiền là 489 triệu đồng. Năm 2014, số người nộp lại quà tặng là 32 trường hợp, trong khi năm 2013 là 364. “Kết quả này cho thấy việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng có tăng hơn những năm trước, nhưng vẫn còn hình thức trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến”, báo cáo nêu rõ. Để chứng minh, bản báo cáo dẫn kết quả khảo sát do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện trong quý 2 năm 2015 tại 512 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Theo đó có 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây, trong đó 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng. Có 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của doanh nghiệp; 66% là nhằm mục đích giải quyết công việc của doanh nghiệp và 31% để “nuôi quan hệ”. 56% do doanh nghiệp chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý.
Năm 2015 cũng đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó 4 người bị xử lý hình sự (tăng một người so với năm 2014). 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo, 5 người đang xem xét các hình thức xử lý.
Về kê khai tài sản, Chính phủ cho biết, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,5% (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3% (tăng 8,8% so với cùng kỳ). Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, tăng hơn nhiều so với 5 trường hợp được xác minh trong năm 2014, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực. Trong đó, có 2 người đã bị xử lý kỷ luật. Ba trường hợp khác (2 tại tỉnh Cà Mau và 1 tại tỉnh Bình Thuận) đang trong quá trình xem xét, xử lý.
ANH THƯ