Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc đào tạo Trung tâm pháp luật kinh doanh (VGD) - Trường Đại học Kinh tế TPHCM (ảnh), người có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn, góp ý cho chính sách phát triển doanh nghiệp, cho rằng, năm 2016 là năm cột mốc để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phóng viên: Vì sao ông chọn năm 2016 là cột mốc để phát triển DNVVN ở nước ta?
Ông NGUYỄN VIỆT KHOA: Tôi cho rằng năm 2016 là cột mốc cho sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại nước ta, bởi các lý do sau: Thứ nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII kết thúc thành công tốt đẹp và đã chọn ra những gương mặt lãnh đạo mới vào các vị trí chủ chốt của Đảng và bộ máy nhà nước trong kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, sẽ tạo bước đột phá trong tiến trình cải cách và phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có DNVVN. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều quyết sách trong việc hỗ trợ phát triển DNVVN, đặc biệt là việc giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư gấp rút chuẩn bị lấy ý kiến dự án Luật Hỗ trợ DNVVN từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), các chuyên gia để trình Quốc hội ban hành trong năm 2016. Mặc dù muộn hơn các nước trong khu vực nhưng đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong các chính sách hỗ trợ DNVVN.
TPHCM cần có cơ chế đặc thù riêng trong thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏphát triển. Ảnh:CAO THĂNG
Thứ hai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các đạo luật kinh doanh khác vừa ban hành và có hiệu lực đã có những bước cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, là động lực thúc đẩy quá trình khởi nghiệp, nhất là DNVVN rất phù hợp với bối cảnh hiện nay tại Việt Nam. Bằng chứng là 6 tháng cuối năm 2015, số lượng DN thành lập mới tăng đột biến. Đây cũng là cột mốc sau đột phá mới trong việc phát triển DNVVN sau 15 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp năm 2000 có hiệu lực. Thứ ba, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, với hàng loạt hiệp định mà Việt Nam đã tham gia và ký kết như AEC, TPP... sẽ mở ra cơ hội tốt, tạo động lực để thúc đẩy các DNVVN hiện nay trong quá trình hội nhập.
Nhiều ý kiến lo ngại, DNVVN sẽ gặp khó khăn trong năm hội nhập sâu 2016, nhất là trước sức ép của DN nước ngoài ngay trên sân nhà, ông nghĩ sao?
Cạnh tranh trong kinh doanh là điều không tránh khỏi, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế và việc đóng cửa các DN kém hiệu quả là một quy luật tất yếu. Hội nhập vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho DNVVN để học tập kinh nghiệm, ngày càng lớn lên. Nhà nước không thể tiếp tục bảo hộ và việc tham gia các hiệp định sẽ không cho phép Chính phủ tiếp tục bảo hộ, vì nếu không chúng ta buộc phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện thương mại. Tuy nhiên, chính sự lợi thế, linh động sẽ giúp DNVVN dễ dàng vượt qua những thách thức. Đối với DN nhà nước, năm 2016 sẽ là năm tái cơ cấu mạnh mẽ, nhiều DN nhà nước hoàn thành cổ phần hóa. Đó sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư cũng như miếng bánh thị trường bắt đầu rộng mở cho mọi DN trong quá trình cạnh tranh bình đẳng.
TPHCM là trung tâm và đầu tàu kinh tế của cả nước, sự phát triển của kinh tế TP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của cả nước. Vì vậy, ngoài những chính sách chung, TPHCM cần phải có cơ chế đặc thù riêng trong thúc đẩy phát triển DNVVN. Trước mắt, trong năm 2016, UBND TPHCM cần trình Hội đồng nhân dân TP ban hành nghị quyết về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho DNVVN. Đồng thời, TP cần rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ DNVVN trong thời gian vừa qua, từ đó, bổ sung sửa đổi cho phù hợp. Các vị lãnh đạo cao nhất của TP cần có cam kết trước cộng đồng DN về việc cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan… Qua đó, xử lý nghiêm và loại khỏi bộ máy nhà nước các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước bị ách tắc trong những năm vừa qua sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển DNVVN.
Trong năm 2016, tôi hy vọng sẽ có nhiều người khởi nghiệp, đặc biệt là giới trẻ và tôi tin tưởng sẽ có nhiều DNVVN thành công vượt bậc, vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chính DNVVN phải biết tự lực, phải xác định được thế mạnh, “ngõ ngách” của thị trường. Để khởi nghiệp thành công, cần không ngừng học hỏi, trang bị kiến thức kinh doanh, pháp luật, hội nhập. Đồng thời, các DN Việt cần đoàn kết, liên kết trong tổ chức các hiệp hội doanh nghiệp để được chia sẻ kinh nghiệm, được bảo vệ khi có tranh chấp hoặc được giúp đỡ khi khó khăn trong kinh doanh.
Lạc Phong (thực hiện)