Năm 2016, Việt Nam phải trả nợ 150.000 tỷ đồng

Ngày 22-3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại từ nguồn vốn ODA của Chính phủ và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.
Năm 2016, Việt Nam phải trả nợ 150.000 tỷ đồng

(SGGP).- Ngày 22-3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại từ nguồn vốn ODA của Chính phủ và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, theo kịch bản kinh tế vĩ mô, kịch bản nợ hiện nay thì tỷ lệ nợ đang chiếm 24% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, do trong điều hành ngân sách vẫn thực hiện như năm 2015, nghĩa là có phần vay đảo nợ nên tỷ lệ phải trả thực tế thấp hơn. Nếu không tính vay đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ chiếm 14,7% tổng thu ngân sách, tương đương con số tuyệt đối khoảng 150.000 tỷ đồng.

Đường Võ Văn Kiệt, công trình sử dụng vốn ODA. Ảnh: THANH TÂM

Theo ông Trương Hùng Long, năm 2016, nghĩa vụ trả nợ vẫn cao vì ngân sách đang phải xử lý các khoản đã huy động trong giai đoạn 2011-2013 khi vay ngắn hạn chiếm 70% từ nguồn tín phiếu, trái phiếu 1-3 năm. Sau năm 2017, nghĩa vụ trả nợ sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, theo ông Long, đó chỉ là con số kịch bản vì còn phụ thuộc nhiều vào điều hành cụ thể như giá dầu thực tế sẽ là 30, 40 hay 60 USD/thùng, ảnh hưởng thu ngân sách như thế nào; đầu tư phát triển, bội chi khác nhau...

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện bình quân nợ nước ngoài là 12,5 năm và thời điểm trả nợ nhiều sẽ nằm trong giai đoạn 2022-2025, còn từ nay đến đó chưa nhiều. Để giảm thiểu tác động, hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngành liên quan làm việc Ngân hàng Thế giới đàm phán lộ trình trả nợ để hạn chế tác động của việc phải trả nợ nhanh tới ngân sách, dự án đang sử dụng vốn vay lại, tránh gây sốc, tăng chi phí. Tuy nhiên, con số cụ thể không thể khẳng định vì đang trong quá trình đàm phán và điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ giá, điều kiện vay theo lãi suất thả nổi hay cố định...

Xung quanh chủ trương phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, ông Long cho biết chưa tiến hành vì phải đảm bảo nguyên tắc tối ưu, hiệu quả, bởi “nếu vay được trong nước với chi phí thấp hơn thì chưa việc gì phải vay và vay trong nước thì dân được hưởng”. Tuy nhiên, dù chưa huy động, bộ này cùng các bộ ngành vẫn tiến hành các hội nghị duy trì, quảng bá hình ảnh Việt Nam để nhà đầu tư quốc tế quan tâm, tìm hiểu, cùng với đó là việc thuê các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh giá để nhà đầu tư có thể tham chiếu.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục