Năm 2017 không có người vô tội bị kết án oan ​

Các báo cáo của Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và của Chính phủ về phòng chống tội phạm đều được trình bày tại phiên họp sáng nay 6-11 của Quốc hội. Qua thẩm tra các báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ghi nhận, từ đầu năm 2017 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

 

Đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhận định, hình phạt được áp dụng cơ bản là nghiêm minh, đúng pháp luật. Năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án Nhân dân các cấp áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc kiểm tra các trường hợp bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được tăng cường.

Đáng lưu ý, Toà án Nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 205 vụ với 433 bị cáo về tội tham nhũng, trong đó có một số vụ án lớn, dư luận đặc biệt quan tâm. Việc miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi về chính sách pháp luật được bảo đảm thực hiện theo đúng quy định.

Năm 2017 không có người vô tội bị kết án oan ​ ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội sáng 6-11-2017
Mặc dù vậy, chất lượng công tác xét xử án hình sự vẫn còn có những hạn chế. Trong một số trường hợp, mức án được tòa tuyên chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, trong khi vẫn còn bỏ lọt tội phạm ở một số tòa án tuyên. Có 0,5% trong tổng số các trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án. Số kiến nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân đối với Toà án Nhân dân yêu cầu khắc phục các vi phạm trong giải quyết các vụ án hình sự tăng 12%.

Đáng lưu ý, một số vụ án dư luận cử tri quan tâm nhưng bản án của tòa án chưa nhận được sự đồng tình cao trong việc xác định tội danh, có trường hợp bị tòa án cấp phúc thẩm hủy vì sai tội danh.

Đơn cử, vụ VN Pharma được cấp sơ thẩm xác định là tội "buôn lậu" nhưng cấp phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra lại và xác định có nhiều dấu hiệu phạm tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Cần tăng cường kiểm sát giải quyết án dân sự

Thẩm tra báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp nhận định, năm 2017, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là còn 32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Số lượng hồ sơ tòa án trả cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung vẫn nhiều gấp hơn 2 lần so với số vụ Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, trong đó có một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới, khởi tố người phạm tội mới.

Một số liệu cũng rất đáng lưu ý là năm 2017, trong khi Toà án Nhân dân Tối cao phát hiện, kháng nghị được 100 vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ kháng nghị một vụ, cho thấy hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính của Viện Kiểm sát, nhất là của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao giảm mạnh so với những năm gần đây.

Theo cơ quan thẩm tra, thực tế này cho thấy hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính của Viện Kiểm sát Nhân dân, nhất là của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao giảm mạnh so với những năm gần đây, đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; làm rõ nguyên nhân để có giải pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

Giải quyết bồi thường còn chậm trễ

Năm 2017, Chính phủ, Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân đã tích cực hơn trong công tác giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước – cơ quan thẩm tra nhận định.

Các bộ, ngành, địa phương đã thụ lý, giải quyết 6 vụ việc (có 3 vụ việc thụ lý mới). Hiện Chính phủ đang chỉ đạo tiến hành thương lượng, giải quyết bồi thường 6 vụ việc nêu trên. Các Tòa án đã thụ lý 10 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 2 vụ với số tiền bồi thường trên 10 tỷ đồng.

Các cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết được 6/32 vụ việc bồi thường thuộc trách nhiệm với số tiền chi trả 1,28 tỷ đồng. Các cơ quan tư pháp đã khẩn trương kiểm tra các vụ khiếu nại, kêu oan và giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại, trong đó có những vụ đã xảy ra từ nhiều năm trước, được dư luận nhân dân đánh giá cao như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận, vụ ông Trần Sam Sái ở tỉnh Sóc Trăng…

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong công tác tổ chức bồi thường; cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường chưa bảo đảm thời hạn theo quy định của pháp luật, đặc biệt ở giai đoạn xác minh, thương lượng giải quyết bồi thường.

Còn một số vụ việc công dân khiếu nại kéo dài về việc Viện Kiểm sát Nhân dân đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 để tránh việc bồi thường nhưng chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần có giải pháp khắc phục để bảo đảm quyền và lợi ích cho người bị thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục