Năm 2017: thi tổ hợp; 3 năm sau thi tích hợp

Ngày 27-9, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo một số vấn đề về phương án thi 2017.Tiến tới thi hoàn toàn trên máy
Năm 2017: thi tổ hợp; 3 năm sau thi tích hợp

Ngày 27-9, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo một số vấn đề về phương án thi 2017.

Tiến tới thi hoàn toàn trên máy

Như đã đưa tin, dự thảo phương án tổ chức kỳ thi năm 2017 khi do Bộ GD-ĐT công bố thời gian qua với nhiều điều chỉnh như giao tổ chức chi về cho các địa phương; thi trắc nghiệm (TN) tất cả các môn, trừ môn Văn; lần đầu tiên có bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) tổ hợp 3 môn Lý - Hóa - Sinh và khoa học xã hội (KHXH) tổ hợp 3 môn Địa - Sử - Giáo dục công dân đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án đổi mới này gây sốc cho  học sinh, các em không kịp chuẩn bị; nhiều ý kiến phản đối thi TN môn Toán, điển hình là Hội Toán học Việt Nam; nhiều ý kiến không yên tâm khi giao địa phương tổ chức thi; các bài thi tổ hợp quá ít câu hỏi với thời lượng thi quá ngắn (bài thi tổ hợp với 3 môn thi 90 phút, tương đương mỗi môn chỉ 20 câu thi trong 30 phút) sẽ không đánh giá được năng lực học sinh...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ



Trước nhiều ý kiến hiện nay băn khoăn về ngân hàng bài thi dành cho việc thi TN, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để có ngân hàng bài thi trên cơ sở tổ hợp thì câu hỏi thi được chuẩn bị qua 6 bước nghiêm ngặt nhằm bảo đảm đề thi có độ khó tương đương. Trong phòng thi thì mỗi thí sinh có một mã đề riêng, độ câu hỏi giống nhau chỉ khoảng 15% chứ không phải là các mã đề chỉ đảo vị trí câu hỏi. “Độ khó tính bằng đo lường TN và đã được thử nghiệm qua kỳ thi đánh giá năng lực 3 năm qua ở ĐHQG Hà Nội. Đề thi khác nội dung nhưng độ khó tương đương và ở mức rất cơ bản chứ không đánh đố, nên học xong lớp 12 là thi được tốt nghiệp. Cháu nào có năng lực vượt trội hơn thì vào đại học” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói và khẳng định kỳ thi sẽ bảo đảm nghiêm túc, thi xong là chấm bằng máy. Sau này sẽ tiến tới thi trên máy như ĐHQG Hà Nội đã thực hiện trong mấy năm qua. Còn bài thi KHTN, KHXH là bài thi tổ hợp các môn, không phải là bài thi tích hợp nên không ảnh hưởng đến thí sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi 2017 sẽ bảo đảm nghiêm túc, thi xong là chấm bằng máy. Trong ảnh: Kiểm tra giấy báo thi tại Hội đồng thi ĐH Sư Phạm TPHCM 2016. Ảnh: Mai Hải

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ưu điểm nổi bật của phương án thi 2017 là tính minh bạch, giảm áp lực về thời gian, Bộ GD-ĐT đã mời nhiều chuyên gia quốc tế đến tham vấn thì họ đều cho là phương án thi nhiều ưu điểm thi với số lượng đông. Khi công bố phương án thi Bộ GD-ĐT sẽ công bố lộ trình từng năm. Năm 2017 là tổ hợp các môn độc lập ghép vào thành bài thi tổ hợp. Từ đó các thầy cô có cả một năm để chuẩn bị cho cách dạy và học. 3 năm sau thì mới là tích hợp gắn với chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK) mới, lộ trình công bố thi tích hợp cũng sẽ được tính toán ở thời điểm thích hợp để tránh trường hợp gây sốc cho xã hội.

Chương trình-sách giáo khoa  giáo dục phổ thông mới: Ngắn gọn, giảm tải

Liên quan đến tiến độ xây dựng CT-SGK giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, đổi mới CT-SGK lần này sẽ hướng đến mục tiêu giảm tải, những nội dung không phù hợp và cản trở cho quá trình đạt tới mục tiêu trong giáo dục thì sẽ bỏ. “Trong quá trình điều chỉnh này thực chất chương trình sẽ rất gọn, đảm bảo mục tiêu. Chúng tôi đã chọn những chuyên gia để xây dựng CT-SGK mới. Các chuyên gia sẽ rà lại quá khứ, theo hướng kế thừa, cái gì không phù hợp thì điều chỉnh, cái gì thiếu sẽ bổ sung, để làm sao CT hài hòa với SGK. Tiến tới giữa CT, SGK, phương thức tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá phải là một chuỗi với nhau. Dù vậy sẽ thực hiện linh hoạt ở các mức độ khác nhau, thiết kế tổng thể nhưng thi công thì linh hoạt, như vậy sẽ giảm được rất nhiều kiến thức không cần thiết”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo trong quá trình xây dựng CT-SGK mới, tuyệt đối thầy cô không bổ sung nội dung SGK ngoài CT. “Trước đây có hiện tượng thầy cô khi biên soạn SGK với mong muốn cho học sinh thêm kiến thức nâng cao nên đưa rất nhiều nội dung khác CT vào SGK. Lần này, Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn SGK bám sát CT chính khóa đã được phê duyệt, không có nâng cao bổ sung. Chỉ đưa thêm kiến thức nâng cao trong trường hợp thi học sinh giỏi hoặc những cháu có nhu cầu đặc biệt. Đó cũng là cách giảm tải”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

 PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục