Năm 2022, lạm phát vẫn sẽ thấp

Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% so với năm 2020 - thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, bất chấp những lo ngại lạm phát cao do giá xăng dầu và các nguyên vật liệu gia tăng mạnh trong năm 2021, giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn tăng rất chậm. 

Nguyên nhân chính của lạm phát thấp là do tổng cầu yếu, sức mua bị sụt giảm mạnh, thể hiện qua việc tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm 2020 (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%).

Dịch Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô lớn đã khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thu nhập và sức mua của người dân bị giảm sút, từ đó kìm hãm đà tăng của CPI.

Theo PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Omicron, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc. Bên cạnh đó, vừa qua, hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, đã tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam nhưng áp lực sẽ không quá lớn, vì sức cầu trong nước còn yếu, do thu nhập của người dân bị giảm từ sự đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh. Cùng với đó, giá xăng dầu cũng sẽ ổn định từ 65-80 USD/thùng vì nếu giá dầu tăng mạnh thì Mỹ sẽ tăng nguồn cung dầu đá phiến và chiếm thị phần dầu của các nước OPEC và OPEC+, lúc đó OPEC và OPEC+ sẽ tăng nguồn cung và giá dầu sẽ giảm. Còn ở trong nước, dịch tả heo châu Phi đang được khống chế khá tốt và đàn heo nuôi được khôi phục… “Chúng tôi dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở từ 2%-3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra”, ông Minh dự báo.

Theo các chuyên gia, giá cả, áp lực lạm phát tại Việt Nam năm 2022, nếu có, sẽ đến từ việc giá thịt heo hiện nay đang ở mức thấp và có thể tăng trong tương lai khi thu nhập và nhu cầu của người dân được cải thiện. Thêm vào đó, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước và giá dịch vụ. Tuy nhiên, về tổng thể, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 không lớn và CPI sẽ tiếp tục tăng chậm. Trên thực tế, tốc độ tăng của CPI cho đến nay vẫn chưa phá vỡ xu hướng đi ngang kể từ năm 2016 đến nay. “Nếu giả định CPI trong năm 2022 sẽ tăng trung bình 0,24%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của giai đoạn 2016-2021, thì lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 1,8%”, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo. 

Với việc nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời áp lực lạm phát chi phí đẩy giá cả các hàng hóa cơ bản trên thế giới chững lại, nhiều khả năng lạm phát trung bình tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ không cao và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Việc kiềm chế, kiểm soát được lạm phát sẽ là tiền đề quan trọng để Quốc hội, Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi nền kinh tế giai đoạn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục