Đầu năm 2012, thực hiện “Năm An toàn giao thông”, UBND TPHCM đã nêu quyết tâm và chỉ đạo các quận, huyện phải đẩy mạnh việc lập lại trật tự giao thông trên địa bàn TP và kiên quyết xử lý nghiêm nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán. Cụ thể hơn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các quận, huyện phải đăng ký cụ thể tuyến đường nào sẽ lập lại trật tự, không để tình trạng lấn chiếm và công khai cho dân giám sát. Chính quyền địa phương phải cam kết cụ thể về thời gian dọn dẹp vỉa hè, lòng đường đến khi nào xong. Nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Những tưởng sau chỉ đạo nóng và sát sao của lãnh đạo TP, ngành chức năng và chính quyền các cấp ở TPHCM rốt ráo thực hiện cuộc đại phẫu những khuyết tật, ung nhọt của bức tranh giao thông đô thị, lập lại trật tự giao thông trên địa bàn TP.
Thế nhưng, 6 tháng qua, người dân chờ đợi sự khởi sắc, chuyển biến từ thực tế nhưng… tình hình chuyển biến rất chậm, thậm chí có nhiều nơi bệnh lấn chiếm, “xẻ thịt” vỉa hè còn trầm kha hơn. Trở lại những tuyến đường điểm thực hiện văn minh đô thị lẫn những điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán như trước nhiều cổng chợ, bệnh viện, trường học, công viên… mọi chuyện vẫn như cũ.
Nhức nhối hơn cả là tình trạng quán nhậu lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng diễn ra khắp mọi tuyến đường, khắp mọi quận, huyện. “Căn bệnh” ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và trên nhiều tuyến đường, vòng xoay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là do tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán hầu như không bị xử lý nghiêm, điển hình như tuyến đường huyết mạch Cách Mạng Tháng Tám đi qua nhiều quận như: 3, 10, Tân Bình. Tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc là do tình trạng lấn chiếm, “xẻ thịt” vỉa hè diễn ra công khai nhưng chẳng ai bị xử phạt.
Lòng đường Cách Mạng Tháng Tám vốn đã hẹp mà phải cõng lượng xe cộ lưu thông quá đông. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, ngoài lấn chiếm gần hết vỉa hè, nhiều đoạn đường như trước cổng Công viên Lê Thị Riêng (thuộc địa bàn phường 11 quận 3), hàng rong, xe bán dạo vô tư lấn chiếm gần 1/4 tuyến đường. Tình trạng này diễn ra khá lâu nhưng chính quyền địa phương không hề dọn dẹp, xử lý?
Có thể nói căn bệnh trầm kha lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thuộc các quận trung tâm lẫn khu vực vùng ven. Từ ngày 4 đến ngày 11-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban An toàn giao thông TP tiến hành kiểm tra, khảo sát 4 địa bàn thuộc quận 6, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Đây là việc cần phải làm gấp nhưng nên mở rộng địa bàn khảo sát, kiểm tra để đánh giá đúng tình hình thực hiện Năm An toàn giao thông chuyển biến đến đâu hoặc trì trệ đến mức nào.
Từ thực tế đó, TP sẽ có giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn chứ không để tình trạng “nói mà không làm” hoặc “hứa nhưng để đó”. Theo Sở Giao thông Vận tải TP, hiện có gần 160 tuyến đường đã được các quận, huyện đăng ký lập lại trật tự và trong số này thật sự có bao nhiêu phần trăm có chuyển biến tốt và chưa tốt?
Dư luận và người dân đang đòi hỏi các cấp chính quyền ở từng quận, huyện phải mạnh tay hơn nữa với nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh, giữ xe nhằm trả lại sự thông thoáng cho đường phố, vỉa hè. Vẫn biết bài toán khó đối với các quận, huyện hiện nay là thiếu chỗ để xe nhưng nếu không tìm cách tháo gỡ và kiên quyết xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè làm nơi giữ xe, buôn bán thì bế tắc vẫn hoàn bế tắc và bức tranh đô thị vẫn tiếp tục nhếch nhác, lộn xộn khó coi.
Nếu TPHCM không tạo điểm nhấn chuyển biến trong Năm An toàn giao thông thì những trì trệ, nhức nhối về bức tranh an toàn giao thông và văn minh đô thị vẫn là chuyện… bó tay, thậm chí bất lực của các cấp quản lý.
Hà Khanh