Cảnh báo mới nhất về biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học thuộc Đại học Aix-Marseille (Pháp) vừa đưa ra cảnh báo, tình trạng ấm lên toàn cầu đang tàn phá khu vực Địa Trung Hải nặng nề hơn bất kỳ một đợt hạn hán hay nắng nóng nào trong 10.000 năm qua. Theo đó, một phần miền Nam châu Âu đang nhanh chóng bị sa mạc hóa.
Tốc độ chóng mặt
Theo ghi nhận của các nhà khoa học, kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay, nhiệt độ trung bình tại khu vực Địa Trung Hải đã tăng 1,3°C, trong khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,85°C. Sự biến đổi này sẽ khiến diện tích sa mạc tại khu vực miền Nam châu Âu không ngừng mở rộng vào cuối thế kỷ này. Nghiên cứu nêu rõ tình trạng sa mạc hóa sẽ hoành hành ở miền Nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, một phần phía Bắc Morocco của Algeria, Tunisia, cũng như các khu vực khác như Sicily của Italia, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và một phần lãnh thổ Syria.
Các nhà khoa học lý giải khu vực Địa Trung Hải nhạy cảm hơn đối tới tình trạng biến đổi khí hậu là bởi các cơn bão từ Đại Tây Dương có xu hướng tiến lên phía Bắc, khiến khu vực này hứng chịu thời tiết nắng nhiều, mưa ít. Không chỉ đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa, nhiệt độ nóng tại khu vực Địa Trung Hải còn dẫn tới sự biến đổi nghiêm trọng thảm thực vật tại khu vực vốn là nơi trú ngụ của các loài cây thông ô, rừng ô liu và sồi xanh.
Diễu hành kêu gọi bảo vệ môi trường tại Paris, Pháp
Nghiên cứu khẳng định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 - 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, là điều kiện đảm bảo hệ sinh thái ở khu vực Địa Trung Hải phát triển bền vững.
Tác giả nghiên cứu, Joel Guiot nhấn mạnh, việc cắt giảm lượng khí thải là vấn đề cấp bách cho những khu vực nhạy cảm như miền Nam châu Âu. Nghiên cứu được thực hiện và công bố trên tạp chí Khoa học ngày 27-10, trong bối cảnh vào tháng tới, chính phủ các nước sẽ nhóm họp tại Morocco để đánh giá lại nội dung Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nỗ lực bảo tồn
Sau nhiều năm thương lượng, dự án thành lập khu bảo tồn sinh thái biển lớn nhất thế giới tại Nam Cực đã được nhất trí ngày 28-10 tại Australia, trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ủy ban bảo tồn sinh thái biển Nam Cực (CCAMLR) tại Hobart thuộc bang Tasmanie. Đây là dự án do Mỹ và New Zealand khởi xướng. Theo dự án, khu bảo tồn nằm trong vùng biển Ross ở Nam Cực, trải rộng tới 1,55 triệu km², trong đó 1,12 triệu km² là vùng cấm đánh bắt hải sản.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully cho biết, dự án bắt đầu được thảo luận từ năm 2012 và đã phải có một số thay đổi để tất cả các thành viên CCAMLR nhất trí thông qua. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng cân bằng các yếu tố: bảo vệ môi trường biển, đánh bắt bền vững với những lợi ích nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học cho biết, việc thành lập khu bảo tồn trên cũng sẽ giúp cho việc tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu.
Một dự án khác do Pháp và Australia khởi xướng cũng được đưa ra thảo luận, song không được thông qua do không còn thời gian họp bàn. Đó là dự án bảo tồn liên quan đến một vùng biển rộng khoảng 1 triệu km² nằm phía Đông Nam Cực. Vùng biển Nam Cực chiếm 15% diện tích đại dương trên hành tinh, nơi chứa đựng đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với hơn 10.000 loài sinh vật sinh sống, trong đó có những loài chỉ có ở vùng biển này.
VIỆT ANH (tổng hợp)