Năm học 2015 - 2016 bắt đầu bằng một chỉ thị của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Theo đó, tất cả các trường trên toàn quốc đều làm lễ khai giảng đúng vào sáng 5-9, thời lượng không quá 60 phút, các phát biểu phải ngắn gọn… Đây là một quyết định đúng đắn.
Hầu như mọi người đều nhận thấy rằng, các lễ khai giảng trước đây đều mang nặng tính hình thức, khá tốn kém, vất vả cho cả thầy và trò. Đây là điều ai cũng biết, báo chí cũng nói nhiều và tất nhiên các cơ quan quản lý giáo dục đều biết. Thế nhưng, không có gì thay đổi, thậm chí bệnh hình thức, khoa trương, kể lể thành tích, huấn thị, bệnh nói dài dòng… trong lễ khai giảng ngày càng tăng. Phải chờ cho đến lúc có “gợi ý” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, thì mọi việc mới thay đổi và thay đổi ngay lập tức.
Điều thú vị là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lấy ngay ví dụ của bản thân mình để nói: “Từ nhiều năm nay, tôi đã nhiều lần dự khai giảng, nhưng tôi thấy ngày giờ khai giảng lại phụ thuộc vào thời gian của lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh, nhất là học sinh tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng. Tôi đến dự khai giảng và được nhà trường yêu cầu phát biểu, nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu…”.
Phó Thủ tướng còn nói đại ý: “Chúng ta xem lại những lễ khai giảng trước đây, là vì các cháu hay vì người lớn?”. Việc khai giảng chỉ là một khâu nhỏ trong toàn bộ quá trình giáo dục, đào tạo của nhà trường, nhưng phải đến năm học này, với ý kiến của Phó Thủ tướng, toàn ngành giáo dục mới thay đổi. Điều đó cho thấy, để đổi mới những cách làm cũ, thực sự hướng đến học sinh thân yêu, cần phải tiếp tục thay đổi.
Nhân chuyện đổi mới cách khai giảng rất đáng hoan nghênh này, thiết tưởng cũng nên có vài điều phải nhìn lại. Đó là Bộ GD-ĐT cần thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, của các chuyên gia, của thầy và trò… Lắng nghe, thẳng thắn và cầu thị, nhìn nhận và thay đổi những việc làm không thích hợp. Đó là việc không phải dễ dàng, nhưng nếu có một cái tâm và một tầm nhìn thì sẽ làm được. Sắp tới đây, công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà sẽ gặp phải nhiều vấn đề to lớn và phức tạp hơn nhiều. Nếu không biết lắng nghe thì chúng ta sẽ không dễ đi đến thành công. Và đó là điều không ai muốn.
Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới 2015 - 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã yêu cầu ngành giáo dục cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Có lẽ đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.
Năm học mới 2015 - 2016 đã bắt đầu với sự đổi mới về lễ khai giảng. Đó là một tín hiệu vui. Năm học này sẽ là năm bắt đầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Còn nhiều nội dung phải tiếp tục thực hiện để đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, trong đó có việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 qua nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm và cần thay đổi từ kỳ thi năm 2015.
Dù còn nhiều khó khăn, các thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo luôn vượt lên mọi khó khăn, tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT, thầm lặng đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người” cao cả, vẻ vang. Các em học sinh - sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước cũng luôn noi gương người đi trước, phấn đấu học tập tốt và rèn luyện tốt để mai này lập thân, lập nghiệp, trưởng thành, góp phần dựng xây đất nước. Tất cả đều mong một nền giáo dục Việt Nam “nở hoa”.
Năm học mới đã bắt đầu - năm học của đổi mới. Chúng ta hy vọng mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp.
PGS VĂN NHƯ CƯƠNG