Năm khó khăn của châu Mỹ Latinh

Châu Mỹ Latinh năm 2013 không mấy yên ả: nhà lãnh đạo Venezuela Hugo Chavez qua đời, Tổng thống Argentina Kirchner mổ não, xuất khẩu sụt giảm. Theo nhận định của Russia Today, năm 2014 được dự báo vẫn sẽ là năm khó khăn của khu vực này.

Quốc gia gặp nhiều thách thức là Brazil. Làn sóng biểu tình lớn nhất trong một thập niên qua đang phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của Tổng thống Dilma Rousseff. Tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát tăng, hệ thống giao thông công cộng xuống cấp trong bối cảnh nước này dồn tiền xây dựng các công trình phục vụ thể thao gây nhiều tranh cãi, làm gia tăng sự bất bình cho người dân. Nếu World Cup được tổ chức thành công tại Brazil, chính phủ của bà Rouseff sẽ ghi điểm. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ nữ tổng thống sẽ sụt giảm, gây khó khăn cho việc tranh cử trong năm nay. Tại Brazil đang hình thành liên minh đối lập với sự gia nhập của những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn.

Venezuela sẽ khởi đầu năm 2014 với nhiều cải cách để đối phó với tỷ lệ lạm phát lên tới 56% trong năm ngoái. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cam kết thiết lập một trật tự kinh tế mới tại nước này, theo đó sẽ có sự cân bằng trong thu - chi ngoại tệ, giữa nhập khẩu, sản xuất và tiêu thụ.

Theo Tổng thống Maduro, cuộc chiến kinh tế mang động cơ chính trị mà giới tư sản trong và ngoài nước phát động nhằm lật đổ chính phủ, đã gây ra tình trạng lạm phát cao. Dù tăng trưởng năm ngoái đạt 1,6% nhưng kinh tế Venezuela được đánh giá chưa ở mức ổn định do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.

Tại Argentina, kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2013 với số ghế được tăng cường cho đảng đối lập tại quốc hội sẽ gây ảnh hưởng đến việc đưa ra các chính sách cải cách của nữ Tổng thống Kirchner năm 2014.

Điểm sáng tại châu Mỹ Latinh là sự trở lại của nữ Tổng thống Michelle Bachelet. Bà Bachelet được kỳ vọng sẽ đưa nền kinh tế Chile tiếp tục đà tăng trưởng. Việc chiếm đa số ghế tại quốc hội giúp liên minh cầm quyền dễ dàng thông qua cải cách thuế hoặc cải cách giáo dục, thế nhưng chưa đủ số ghế cần thiết để sửa đổi hiến pháp - những cam kết tranh cử chủ chốt của bà Bachelet. Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo rất cao tại quốc gia xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới này sẽ là một thách thức lớn đối với bà Bachelet.

Ở Paraguay, Tổng thống triệu phú Horacio Cartes sẽ tiếp tục nhiệm vụ khó khăn chưa hoàn thành vào năm ngoái là đưa đất nước “trở lại bản đồ Mỹ Latinh” khi quan hệ với các nước trong khu vực rơi vào cảnh lạnh nhạt, cô lập, sau vụ lật đổ gây tranh cãi của cựu Tổng thống Fernando Lugo. Năm 2014 cũng là năm bầu cử tại Bolivia. Tổng thống Evo Morales được cho là sẽ có được chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ 3.

Nhìn chung, vấn đề quan tâm hàng đầu trong chính sách của các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh trong năm nay vẫn là kinh tế. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đà tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc và triển vọng kinh tế Mỹ, kinh tế Mỹ Latinh vẫn được coi là ổn định trong thời điểm này. Dẫu vậy, vấn đề của Mỹ Latinh là sự phát triển kinh tế không đồng đều. Bên cạnh đó, động lực kinh tế Mỹ Latinh khá đơn điệu và được xác định là cần phải đa dạng hóa hơn nữa.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục