Năm Nhỏ nhưng tấm lòng không nhỏ

Năm Nhỏ nhẩm tính, tiền lời bán vé số mỗi ngày chia làm 2 phần, phân nửa đem về đưa cho cha mẹ, phân nửa còn lại dành cho mình ăn uống và cho mấy đứa nhỏ nhà nghèo mua tập, sách, mua xôi, bánh ăn sáng… để đi học.
Anh Năm Nhỏ hàng ngày đi bán vé số, để dành tiền lời làm từ thiện
Anh Năm Nhỏ hàng ngày đi bán vé số, để dành tiền lời làm từ thiện

Mua vài tờ thôi, hổng có trúng đâu!

Năm Nhỏ (42 tuổi, tên thật là Nguyễn Văn Nhỏ, ngụ xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) lớn lên trong gia đình có 6 anh em. Nhà nghèo, nhưng cha mẹ của Năm Nhỏ vẫn cố gắng làm ruộng lo cho các con ăn học. Năm Nhỏ cũng được đi học, nhưng tới năm lớp 7 thì học trước quên sau. Khi nào cố gắng nhớ cái gì đó thì lại nhức đầu, buồn ngủ…, vậy là Năm Nhỏ xin thầy cho mình nghỉ học.

Năm Nhỏ xin cha mẹ cho mình 200.000 đồng làm vốn để bán vé số. Thấy Năm Nhỏ mới vô nghề, khách mua hay hỏi: “Vé số trúng hông mậy, số nào trúng chỉ tao coi…”. Năm Nhỏ thiệt thà: “Chắc không trúng đâu, mua vài tờ thôi để chiều dò cho vui, chớ hổng có trúng đâu”. Nói vậy nhưng ai cũng mua, vì thấy Năm Nhỏ thiệt thà, lại siêng năng, ai kêu gì cũng giúp, miễn làm được là cố gắng hết sức mới thôi.

Những năm 1990, mỗi tờ vé số chỉ 2.000 đồng, giải đặc biệt trúng 20 triệu đồng. Ngày nào cũng vậy, Năm Nhỏ đạp xe từ nhà ở xã Hòa Chánh qua xã Vĩnh Hòa, ra Công Sự (xã Tây Yên) rồi đạp vòng về, lộ trình ngót nghét 30-40km. Tiền lời bán vé số bình quân mỗi ngày được 40.000-50.000 đồng, Năm Nhỏ đưa cho mẹ phân nửa để dành gởi tiền lo cho thằng To (em kế Năm Nhỏ) đang học sư phạm xa nhà. Phần còn lại, Năm Nhỏ để dành ăn uống dọc đường và để sửa chiếc xe đạp ngày nào cũng hư lên hư xuống…

Trong tâm thôi thúc giúp người

Càng có thâm niên, số lượng vé bán ngày càng tăng, tiền lời cũng nhiều hơn. Khi có dư chút ít tiền lời, Năm Nhỏ liền chia sẻ cho những người khó khăn hơn mình. Bà con trách Năm Nhỏ không lo cho gia đình, mà cứ đi lo cho người dưng. Năm Nhỏ gãi đầu gãi tai phân trần: “Bà con tui đâu tới nỗi nào, người ta khó lắm tui mới giúp chớ đâu có giúp khơi khơi tào lao đâu!”. Nhiều người nói Năm Nhỏ khùng khùng, tửng tửng… Năm Nhỏ kệ, cười trừ.

Khi khu vực Công Sự (chợ trung tâm của các xã lân cận ở huyện U Minh Thượng) có nấu cơm từ thiện cho người nghèo, Năm Nhỏ liền tham gia. Năm Nhỏ cũng cho tiền, cho gạo, cho sách vở để mấy đứa nhỏ con nhà nghèo ở vùng nông thôn sâu được đi học. Có người làm ăn thất bát, đến mượn vốn Năm Nhỏ đi bán vé số. Ít lâu sau có người trả, cảm ơn, nhưng cũng có người… quên luôn. Năm Nhỏ kệ, ai nhớ thì trả, hổng nhớ thì thôi. “Chớ mở miệng ra đòi kỳ chết, người ta có tiền là người ta trả mình rồi”, Năm Nhỏ bộc bạch.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm…, mấy đứa học trò nghèo được Năm Nhỏ giúp đi học ngày trước, giờ đây có người thành giáo viên, có người ra làm việc ở xã, ở huyện, có người làm ăn khấm khá… Không ai quên Năm Nhỏ hết, ai cũng kêu Năm Nhỏ là cha nuôi, chú nuôi. Năm Nhỏ cũng không nhớ có bao nhiêu con nuôi ở xứ U Minh Thượng, chỉ biết hễ ra đường là có người kêu, réo lại hỏi thăm, rồi mua vài tờ vé số cầu may.

Ông Nguyễn Văn Tấn (cha của Năm Nhỏ) khoe: “Nó không nhớ đâu chú, nhưng tui nhớ nó được giấy khen của bên Hội Chữ thập đỏ, rồi ở Hội Khuyến học của xã cũng có khen nó nữa…”. Năm Nhỏ giải thích, mình làm từ thiện là tự nhiên thích làm, vì từ trong tâm thôi thúc muốn giúp người.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Kiên Giang (trước đó là Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng), kể: Năm Nhỏ bán vé số nổi tiếng cả huyện. Một ngày đạp xe mấy chục cây số qua mấy xã. Người ta nhớ Năm Nhỏ vì tánh hay cười, ai kêu gì cũng làm mà miễn phí tiền công. Gặp ai nghèo là cho tiền, nhất là mấy đứa nhỏ con nhà nghèo, có nhiều đứa Năm Nhỏ nuôi ăn, nuôi học quanh năm. Ông Nguyễn Quốc Khởi, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, cho biết thêm, Năm Nhỏ hiền, hay giúp người, thấy ai khó khăn là giúp liền. Giúp rồi quên luôn chứ không nhớ để kể công gì hết, vì vậy ai cũng thương Năm Nhỏ…

Tin cùng chuyên mục