"Năm tháng mặt người" - Những lát cắt đẹp về văn hóa truyền thống

Không phải bằng nỗi u hoài, luyến nhớ những vàng son phế tích, những nếp xưa đã phai tàn, mà bằng con mắt của một người trẻ trong đời sống hiện đại, tác giả cảm nhận và thể hiện những điều mình được thấm qua, được lắng đọng như những nhịp đập sinh động của thực tại.
"Năm tháng mặt người" - Những lát cắt đẹp về văn hóa truyền thống

(SGGPO).- Không phải bằng nỗi u hoài, luyến nhớ những vàng son phế tích, những nếp xưa đã phai tàn, mà bằng con mắt của một người trẻ trong đời sống hiện đại, tác giả cảm nhận và thể hiện những điều mình được thấm qua, được lắng đọng như những nhịp đập sinh động của thực tại.

Cuốn tạp văn Năm tháng mặt người - của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng là tác phẩm đầu tiên được ra mắt tại Ngày Sách Việt Nam 2016 được tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội.

Tập tản văn Năm tháng mặt người tập hợp 35 bài viết được tác giả viết trong những năm gần đây

Điểm dễ nhận thấy trong những tác phẩm của Nguyễn Quang Hưng là dù viết về quá khứ hay hiện tại thì nó vẫn thấm đẫm văn hóa truyền thống với cái nhìn của người trẻ chất chứa những ưu tư rất đời, mang thuộc tính tinh thần, nền tảng chứ không phải bề nổi sự kiện. Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Quang Hưng khi đặt vào hệ quy chiếu thời gian không mới kiểu sốc nổi, dễ gây chấn động nhưng không cũ mà đằm.

Cuốn sách Năm tháng mặt người là ký ức chưa từng ngủ trong người cha từng là thợ thêu lành nghề nơi phố cổ; là cảm hứng về sự nhẫn nại, bao dung của những người mẹ cụ thể; là nếp sống, là tập quán đã nuôi lớn bao thế hệ; là ấn tượng về cuộc hồi hương tìm lại gốc gác của một cộng đồng dòng họ; là con đường nối dài đất đai huyền tích xứ Đoài; là những chuyến đi mải miết vào “vùng âm thanh” ngân vọng không ngừng của quan họ…

Qua mỗi cảnh vật, mỗi khoảnh khắc trên đường đi, dưới những mái nhà ấy, lại phảng phất, lại thấp thoáng bao gương mặt cuộc đời, số phận: Như nét đục chạm quân rối đã ánh lên khuôn mặt nghệ nhân; như câu hát xẩm hay những chữ Nôm cổ đã thành duyên nợ cho những người trẻ tuổi; như cuộc đời người hát đã thăng trầm cùng nghệ thuật ca trù; như ngôi nhà Lang được mơ hồi sinh từ người họa sĩ đang dành tuổi trẻ của mình cho nghiệp tự thân bảo tồn văn hóa…

Chia sẻ về cuốn tản văn Năm tháng mặt người, nhà văn Đỗ Bích Thúy viết: "Đọc sách của Hưng thấy thương quá những hồi ức về một Hà Nội xưa đẹp đẽ. Một Hà Nội đủ để nhớ, để yêu, để trân trọng. Một Hà Nội thanh cao, giờ chắc chắn vẫn còn đâu đó trong lớp người xưa cũ".

35 tản văn trong cuốn sách đưa người đọc ngược dòng thời gian để tắm mình trong không gian văn hóa đặc trưng của miền Bắc.

Nhà văn Văn Chinh nhận xét: “…Không phải là sự điệu đà hay bắt chước người già cho ra vẻ từng trải. Cái tạng của Hưng nó thế. Hiền hậu, trong trẻo, đến thơ “ngâm vịnh” những nơi thăm thú cũng thoang thoảng một vẻ thiền. Thơ Hưng, nếu đọc vào mỗi chiều, có văng vẳng xa xa những tiếng chuông chùa thì là một sự cộng hưởng tuyệt vời, lòng ta có thể miên man đến được chỗ thanh thoát”.

Trước khi ra mắt cuốn tản văn Năm tháng mặt người, Nguyễn Quang Hưng đã có 5 tập thơ và trường ca: Vườn ánh sáng, Mùa Vu Lan, Lòng ta chùa chiền, Chia ngũ cốc và Nước non mặt biển. Năm tháng mặt người cũng là tập tản văn đầu tiên trong “gia tài sách” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sau hành trình chinh phục thơ.

Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam 2016, vào lúc 10 giờ ngày 20-4 tại Công viên Thống nhất - Hà Nội, NXB Phụ nữ tổ chức buổi giao lưu và ra mắt tập tản văn Năm tháng mặt người của nhà thơ - nhà báo Nguyễn Quang Hưng.

Buổi giao lưu và ra mắt không chỉ tập trung vào cuốn sách mà còn là dịp để chia sẻ những câu chuyện văn hóa, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ nổi tiếng, nhà nghiên cứu uy tín, những người đã dành nhiều năm tháng để trải nghiệm và tôn vinh văn hóa của dân tộc như: PGS.TS Ngô Văn Giá, TS Chu Văn Sơn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT rối nước Chu Lượng, NSƯT chèo Đoàn Thanh Bình, NSƯT tuồng Lương Ngọc Khánh...

MAI AN

Tin cùng chuyên mục