Lần đầu tiên, một nhóm 700 sinh viên của 10 trường học ở TPHCM nghĩ ra một hoạt động tình nguyện mang tên “Ánh sáng văn hóa hè” vào năm 1994, mở ra những lớp học xóa mù chữ cho bà con ở Bình Chánh. Từ đây, phong trào thanh niên tình nguyện bắt đầu tỏa đi khắp cả nước, lan rộng sang các quốc gia trong khu vực với nhiều hoạt động xã hội thiết thực. Năm 2014 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn làm Năm Thanh niên tình nguyện. TPHCM – chiếc nôi của phong trào thanh niên tình nguyện đã lên kế hoạch thực hiện Năm Thanh niên tình nguyện như thế nào? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Mạnh Cường xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Năm 2014 là Năm Thanh niên tình nguyện, để tạo nên nét độc đáo, Thành đoàn TPHCM đã định hướng các hoạt động hưởng ứng như thế nào?
* Anh NGUYỄN MẠNH CƯỜNG: Hai yếu tố làm điểm nhấn trong Năm Thanh niên tình nguyện 2014 được Ban Thường vụ Thành đoàn thông qua và quán triệt đến các cơ sở đoàn, đó là: chất lượng và tính hiệu quả trong các hoạt động. Theo đó, để thực hiện tốt hai yếu tố này, đòi hỏi các đội hình tình nguyện phải được đầu tư sâu về con người (tăng số lượng, lòng nhiệt huyết, tính tự nguyện…) và chuyên sâu kỹ thuật, công nghệ để phù hợp với đặc thù công việc tình nguyện, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Chẳng hạn, hoạt động tình nguyện xây đường giao thông nông thôn thì tất cả thành viên của đội phải là sinh viên Đại học Bách Khoa, nắm rõ về kiến thức xây dựng phụ trách. Hay hoạt động tình nguyện áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả phải là sinh viên Đại học Nông Lâm, không xen lẫn sinh viên các trường như những năm trước. Ngoài ra, máy móc, thiết bị phục vụ công việc tình nguyện cũng được đầu tư kỹ hơn. Cùng với đó, để các hoạt động tình nguyện mang lại hiệu quả cao và nổi bật trong Năm Thanh niên tình nguyện, Thành đoàn còn gắn các hoạt động tình nguyện với xây dựng nông thôn mới, dự án dân sinh. Đặc biệt, để thực hiện nhanh và tăng tính hiệu quả, ngoài tình nguyện viên, các đội còn thu hút quần chúng nhân dân tham gia.
* Anh có thể chia sẻ cụ thể những hoạt động của tuổi trẻ TPHCM sẽ thực hiện trong Năm Thanh niên tình nguyện?
* Có 3 hoạt động chính. Thứ nhất, tổ chức các đội hình tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm an toàn giao thông. Thực hiện hoạt động này, ngoài các chiến dịch cũ như “Ngày chủ nhật xanh”, “Giờ Trái đất”, năm nay có thêm chiến dịch “Vì màu xanh thành phố”, “Ngày tình nguyện”, hay chiến dịch “Khu dân cư an toàn - văn minh”, “Phòng chống tội phạm”… được tổ chức xuyên suốt. Thứ hai, là hoạt động tình nguyện xây dựng nông thôn mới, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng địa phương, đơn vị phát triển, tình nguyện quốc tế; kết nối các nguồn lực tình nguyện và xây dựng lực lượng. Theo đó, sẽ huy động các nguồn lực, sửa chữa 200 căn nhà tình bạn, tình thương, tình nghĩa, nhà bán trú cho dân; tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho 100.000 lượt người nghèo, mời gọi tổ chức quốc tế đầu tư nguồn lực cho các dự án tình nguyện. Thứ ba là kết nối các nguồn lực tình nguyện và xây dựng lực lượng, vận động 2 triệu lượt thanh niên người dân tham gia tình nguyện.
* Để sức ảnh hưởng, sự lan tỏa và tác động của các hoạt động tình nguyện được vươn xa, vươn cao hơn, Thành đoàn đã đưa ra mục đích, chỉ tiêu phấn đấu như thế nào?
* Về mục đích, phải phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ TP trong việc góp phần tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, đặc biệt là 6 chương trình đột phá của TP. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của hoạt động tình nguyện, thúc đẩy phong trào tình nguyện phát triển mạnh mẽ; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, nâng chất tổ chức đoàn, góp phần tạo môi trường để thanh niên rèn luyện về nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành xã hội.
Về chỉ tiêu, 100% đoàn cấp huyện, xã và chi đoàn triển khai thực hiện ít nhất 1 công trình thanh niên, 100% đoàn cơ sở có đội hình thanh niên tình nguyện; xây dựng, sửa chữa 20 cầu giao thông nông thôn; bê tông hóa 100km đường giao thông nông thôn, tuyến hẻm; khơi thông và cải thiện môi trường, cảnh quan các tuyến rạch và sông Sài Gòn; ngầm hóa cáp điện viễn thông trên tuyến đường Lý Tự Trọng (đoạn từ nút giao đường Cách Mạng Tháng Tám đến Đồng Khởi)…
TUẤN VŨ