Ngày 10-1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,25% nhằm tiếp tục củng cố đà phục hồi kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Như vậy, với sự hỗ trợ này, năm 2014 sẽ trở nên tuyệt vời đối với nước Đức – nền kinh tế đầu tàu của lục địa già.
Trước đó, ngày 8-1, Văn phòng thống kê liên bang Đức thông báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này lên đến 93,2 tỷ EUR (127 tỷ USD) trong tháng 11 so với 92,9 tỷ EUR tháng trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 1,1%, từ 76,2 tỷ xuống 75,4 tỷ EUR trong cùng thời gian này.
Theo bài phân tích trên trang mạng Huffington Post số ra mới đây của Henri Malosse, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và xã hội (EESC), về tăng trưởng kinh tế, nước Đức đứng ở vị trí khá cao trong năm 2013 và các dự báo đều cho rằng Đức sẽ tăng trưởng ở mức từ 1% - 2,5%. Động lực mới trước hết đến từ chính sách tiền tệ của ECB khi quyết định giữ lãi suất ở mức thấp. Khoảng 300.000 việc làm mới sẽ được tạo thêm trong năm 2014, đây là những tin tốt cho thị trường lao động.
Mặc dù phần lớn người Đức có thể hướng về năm mới với tâm trạng rất thư giãn, nhưng nước Đức còn tồn đọng vấn đề chưa được giải quyết triệt để là lãi suất vẫn được giữ ở mức rất thấp. Việc này khiến cho các kế hoạch nghỉ hưu của nhiều người dân rơi vào hỗn loạn. Dù người Đức vẫn chưa có thể chắc chắn về việc cuộc khủng hoảng tài chính sẽ không quay trở lại, nhưng hiện nay những triển vọng cho năm 2014 chưa từng tốt đến như vậy trong một thời gian dài.
Giới phân tích thừa nhận các chính sách của đại liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức về đầu tư cho cơ sở hạ tầng và áp dụng mức lương tối thiểu trong cả nước là phù hợp với đường hướng thúc đẩy tăng trưởng song song với ổn định tài chính công.
Tuy có hoạt động tài chính chắc chắn và kinh tế hùng mạnh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đang phải chịu sức ép ngày càng tăng về thúc đẩy nhu cầu trong nước để hỗ trợ các đối tác EU. Ngay sau khi Đức thông báo đạt thặng dư thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày 8-1 đã kêu gọi “đầu tàu kinh tế châu Âu” thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước giúp khôi phục tăng trưởng ở châu lục này.
Trong khi đó, Anh - vì không chịu ảnh hưởng quá lớn từ khủng hoảng như nước thành viên eurozone – lại có điều kiện thuận lợi tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế. Anh đã đánh dấu sự phục hồi ấn tượng nhất trong vòng 3 năm qua với 0,8% tăng trưởng GDP trong quý 3. Trong quý 3-2013, lĩnh vực dịch vụ tăng 0,7% so với quý 2, xây dựng tăng 2,5%, công nghiệp tăng 0,5% là những dấu hiệu cho thấy chính sách kinh tế hiệu quả của chính phủ Anh.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tuyên bố Chính phủ Anh sẽ tiếp tục thi hành chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” trong năm 2014 nhằm giảm nợ công và thâm hụt ngân sách.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2014. Mức tăng trưởng này tốt hơn nhiều so với Nhật Bản (2% và 1,2%) và đặc biệt là khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), được dự báo tăng trưởng âm (-0,4%) trong năm nay, trước khi đạt 1% vào năm sau.
HẠNH CHI