Do ảnh hưởng bởi không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi lượng mưa đo được gần 500mm. Cùng với việc xả lũ tại các hồ thủy lợi, nhiều nơi trên địa bàn 2 tỉnh này bị ngập sâu.
Nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn
Từ ngày 28 đến 12 giờ trưa ngày 31-10-2010, toàn tỉnh Ninh Thuận có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 300mm. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, tính đến 12 giờ ngày 31-10, nước lớn cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho nhiều địa phương như huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập cục bộ nhiều nơi, phần lớn các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn nước ngập từ 0,7 - 1m, có nơi ngập trên 2m, hàng ngàn ngôi nhà ở ven sông Cái - Phan Rang bị ngập từ 1 - 3,5m, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn. Mực nước ở các hồ chứa, sông, suối không ngừng dâng cao. Trên sông Cái - Phan Rang: Mực nước đo được tại Trạm thủy văn Tân Mỹ, huyện Ninh Sơn ở mức 38,93m, trên mức BĐ 3: 0,93m; tại Trạm thủy văn Phan Rang ở mức 4,76m, trên mức BĐ 3: 0,26m. Trên sông Lu: Mực nước đo được tại Trạm thủy văn Phước Hà ở mức 63,99m, trên mức BĐ 3: 0,99m; tại Trạm thủy văn Phước Hữu, huyện Ninh Phước ở mức 13,72m, trên mức BĐ 3: 1,42m.
Tuyến QL 1A đoạn đi qua ngang Ninh Thuận và tuyến QL 27 từ Phan Rang đi Đà Lạt gần như tê liệt vì có nơi ngập gần 1m. Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã triển khai lực lượng chốt trực ở các tuyến giao thông nội thành, nội tỉnh và liên tỉnh để hướng dẫn giao thông.
Tại Khánh Hòa, do mưa lớn trong 3 ngày qua, tuyến đường huyết mạch (Tỉnh lộ 9) từ thị xã Cam Ranh đi huyện miền núi Khánh Sơn có nhiều đoạn bị ngập sâu cả mét, huyện đang bị cô lập.
Nhiều tàu, thuyền bị trôi
Ngày 31-10, trên địa bàn Khánh Hòa tiếp tục có mưa lớn, cộng với 3 hồ thủy lợi (Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu) xả lũ khiến nước sông Cái - Khánh Hòa và sông Dinh - Ninh Hòa lên nhanh, dự báo vượt BĐ 3. Hiện mưa lũ đã làm sập 26 căn nhà trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh đã di dời 62 hộ/263 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tính đến chiều 31-10, tại Khánh Hòa đã có 2 tàu đánh cá của ngư dân (neo tại cầu Trần Phú) bị cuốn trôi ra biển.
Ông Nguyễn Đình Tân, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải Đường sắt Phú Khánh, cho biết sáng 31-10, gần 100 công nhân và lực lượng công binh đã phối hợp khắc phục sự cố tắc đường sắt đoạn phía Nam đèo Cả. Đến 13 giờ 30 phút chiều cùng ngày, đoạn đường sắt Bắc - Nam qua đèo Cả (thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã được thông tuyến. Trước đó, do mưa lớn khiến gần 100m3 đất đá từ đỉnh đèo rơi xuống đường sắt, khiến nhiều đoàn tàu không thể lưu thông.
Theo thống kê, từ tối ngày 30-10 đến chiều 31-10 đã có 8 chuyến tàu mắc kẹt ở một số ga phía Nam và Bắc đèo Cả, với gần 1.600 hành khách.
Trưa 31-10, lực lượng cứu hộ của Cơ quan Quân sự huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã tìm được xác của ông Phạm Đình Cư (53 tuổi, ngụ thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa). Trước đó, lúc 12 giờ trưa ngày 30-10, ông Cư cùng con trai là Phạm Đình Quốc (22 tuổi) đi lùa trâu bằng thuyền nan tại cầu Đoàn Kết (thôn Hảo Sơn) thì bị lật thuyền. Em Quốc được người dân cứu thoát, còn ông Cư thì bị nước cuốn trôi.
Đến chiều ngày 31-10, nhiều nơi trên địa bàn các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Đồng… ở huyện Tây Hòa đã bị lũ chia cắt.
Chiều 31-10, vẫn còn 16 ngư dân Bình Định đang gặp nạn tại vùng biển Trường Sa và các ngư trường phía Nam. Trong đó có 6 ngư dân trên tàu BĐ 30426 TS (do ông Lê Văn Tiến ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định, làm thuyền trưởng), bị gãy chân vịt trôi dạt ở vùng biển, gần đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ chiều ngày 30-10. Trong ngày 31-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã nỗ lực liên lạc với tàu BĐ 30426 TS nhưng bất thành.
10 ngư dân còn lại là của tàu BĐ 50377-TS (do anh Nguyễn Hữu Quang, ở xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, làm chủ), bị hỏng máy đang trôi tự do ở vùng biển Trường Sa, từ chiều 30-10. Ngoài ra, ở Bình Định còn có trường hợp ông Văn Công Trãi (ở xã Hoài Hải, Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 96247 TS, bị mất tích trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng kêu gọi các phương tiện đánh bắt và ngư dân đến ứng cứu những tàu bị nạn.
Nhóm PV
Đối mặt mùa đông khô hạn
Hôm qua 31-10, nền nhiệt độ ở miền Bắc vẫn tiếp tục xuống thấp, ở vùng núi cao có nơi chỉ 8 - 9°C. Trong khi đó, không khí lạnh cường độ mạnh vẫn tràn sâu xuống các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Tuy nhiên theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương thì đó mới chỉ là “khúc dạo đầu” của mùa đông 2010 - 2011 được nhận định là có nhiều sự bất thường.
Sẽ thiếu điện gay gắt
Theo các chuyên gia về khí tượng và thủy văn, nếu như mùa khô hạn năm 2009 cả nước phải đối mặt với các hiện tượng khó lường như lượng mưa thấp kỷ lục, mực nước trên các sông, hồ xuống thấp nhất trong nhiều chục năm qua, mực nước tại các hồ thủy điện lớn cũng xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử thì mùa khô năm 2010 - 2011 tình trạng trên sẽ còn khốc liệt hơn gấp nhiều lần, với lượng mưa ít hơn năm 2009, lạnh đến sớm và có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn. Khả năng thiếu nước cho sản xuất và thiếu điện đang hiển hiện rõ.
Nhận định về tình hình mưa bão, lũ thời gian qua, ông Đặng Ngọc Tĩnh, Trưởng phòng Dự báo thủy văn Bắc bộ (thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương) cho biết, mùa lũ năm nay tại miền Bắc đến muộn hơn so với nhiều năm. Tháng 7 và tháng 8 chỉ xuất hiện một vài đợt lũ nhưng nhỏ và thời gian duy trì rất ngắn. Sang tháng 9 và tháng 10 hầu như không xuất hiện thêm một trận lũ nào nữa. Do vậy, dòng chảy trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình toàn mùa ở mức thấp hơn trung bình từ 17% - 48%, thậm chí còn thấp hơn cả năm 2009 vốn được đánh giá là kỷ lục về mức độ khô cạn dòng chảy. Tương tự, khu vực Nam bộ, trên sông Cửu Long đã không có lũ đầu mùa, mực nước các tháng luôn thấp hơn trung bình cùng thời kỳ từ 1 - 1,2m.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho rằng, đây là xu thế chung. Do đó, trong vụ đông-xuân 2010 - 2011, dòng chảy toàn mùa ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình sẽ thấp hơn trung bình từ 30% - 45%, trong đó các tháng 11 và 12-2010 và các tháng cuối mùa cạn, tức tháng 3 và tháng 4-2011 sẽ thiếu hụt nước trầm trọng, từ 40% - 50%. Sông Hồng là dòng sông chính để cung cấp nguồn nước tưới cho nông nghiệp ở miền Bắc. Tuy nhiên lưu lượng nước về mùa cạn sẽ chỉ còn mức 580 - 800m³/giây, trong khi trung bình phải là 1.180m³/giây. Sông Hồng tại đoạn Hà Nội có khả năng lặp lại hoặc vượt giá trị thấp nhất trong lịch sử với mực nước xuống chỉ còn 0,1m. Cao điểm mùa cạn sẽ vào tháng 2 và 3-2011.
Đáng lo ngại hơn là nguồn nước cho các hồ thủy điện cũng sẽ thiếu nghiêm trọng. Trong 10 tháng qua, lưu lượng nước về các hồ thiếu hụt đến hơn 34 tỷ m³, trong đó hồ Hòa Bình thiếu tới hơn 22 tỷ m³, tương đương gần 6 tỷ KWh điện. Hiện, mực nước các hồ thấp hơn cùng kỳ từ 10 - 25m. Dự báo, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình trong mùa khô này có thể xuống mức 260m³/giây, hồ Thác Bà xuống mức 38m³/giây và hồ Tuyên Quang là 86m³/giây. Ông Tĩnh cảnh báo: “Tình trạng thiếu điện trong mùa khô năm 2010 và 2011 sẽ diễn ra gay gắt hơn năm 2009”.
Nhiều đợt rét đậm, rét hại
Ông Tạ Hồng Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuộc Tổng cục Thủy lợi lo lắng, thời tiết như diễn biến vừa qua sẽ gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Bởi vì do thời gian qua lượng mưa lũ về miền Bắc và Nam bộ không có đủ nên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều tích không được đầy nước. Hiện tại, các hồ thủy lợi thuộc miền Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam bộ kết thúc mùa mưa chỉ đạt khoảng 70% dung tích thiết kế. Ông Đức cho rằng, do khô hạn nên thời gian tới, khu vực đồng bằng sông Hồng có thể phải giảm khoảng 650.000ha và tương tự là ĐBSCL giảm khoảng 1,4 - 1,5 triệu ha cây nông nghiệp.
Trong khi lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng và xảy ra trên phạm vi cả nước thì mùa đông 2010 - 2011, do ảnh hưởng của La Nina hoạt động trở lại nên nền nhiệt độ toàn mùa sẽ thấp hơn mức trung bình. Theo đó, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta sẽ ở mức cao hơn so với trung bình năm ngoái, khoảng 29 - 30 đợt. Trong đó rét đậm, rét hại nhiều khả năng sẽ ở mức 3 - 4 đợt, tập trung vào tháng 12-2010 và tháng 1-2011. Đợt rét đậm đầu tiên của vụ đông-xuân 2010 - 2011 sẽ xuất hiện sớm hơn so với trung bình năm ngoái.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng dự báo hạn vừa thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, nền nhiệt độ nửa đầu vụ đông-xuân năm nay tại Bắc bộ và Trung bộ sẽ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình năm ngoái. Về cuối mùa, nền nhiệt độ sẽ tăng lên mức xấp xỉ so với các năm. Đặc biệt, khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhiệt độ thấp nhất mùa đông-xuân 2010 - 2011 sẽ ở mức từ 3 - 5°C, ở vùng núi cao nhiệt độ sẽ xuống mức 0°C.
Phúc Hậu