Tôi vừa trở lại thị trấn Sa Pa xinh đẹp để ngắm mùa lúa chín vàng óng ả trên các thửa ruộng bậc thang “treo” trên sườn núi. Những gì tôi cảm nhận được ở đây đều rất tuyệt vời, chỉ có một điều thật khó chịu, đó là nạn đeo bám khiến du khách phiền lòng, khó chịu.
Đến bất cứ địa điểm tham quan nào ở Sa Pa, từ khu Hàm Rồng, chợ thị trấn, khu nhà thờ đá, cho tới thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát, bản Tả Phìn..., đều bắt gặp vô số đội quân đeo bám du khách. Chỉ tính riêng ở khu vực nhà thờ đá, cổng chợ thị trấn lúc nào cũng có vài ba chục người hành nghề đeo bám du khách.
Theo quan sát của tôi, năm ngoái những người đeo bám du khách còn ở mức vừa phải, năm nay số lượng nhiều hẳn lên. Những người hành nghề không chỉ là trẻ em các dân tộc quanh đấy, mà nhiều người ở dưới xuôi cũng đổ về đây ăn theo. Họ xin tiền, mời mua hàng lưu niệm, quà bánh và cả không ít kẻ lưu manh trà trộn chờ cơ hội khách sơ hở là móc túi, trộm cắp... Đội quân bám theo khách từ cửa nhà nghỉ, khách sạn cho tới tận các địa điểm tham quan rồi bu lại mời chào, năn nỉ dai dẳng, dù du khách đã nói không mua, không có nhu cầu. Có khách còn bị níu áo, kéo tay một cách rất mất lịch sự.
Một lần vào buổi sáng đang đứng ngắm Thác Bạc, tôi bị 2 đứa trẻ cỡ hơn chục tuổi tới mời mua đồ thổ cẩm. Tôi nói đã mua rồi, nhưng hai đứa trẻ cứ đi theo nài nỉ từ chân thác lên tới tận lưng chừng thác. Khi tôi bực quá nghiêm nghị nói không mua và đừng đi theo nữa, thì hai đứa mới dừng lại, nhưng miệng chúng lẩm nhẩm chửi tôi. Dẫu bực đấy nhưng tôi kệ vì đã cắt được cái đuôi.
Đeo bám là một vấn nạn không mới của ngành du lịch và không riêng gì ở Sa Pa, mà bùng phát ở rất nhiều nơi, khiến du khách luôn cảm thấy khó chịu. Thiết nghĩ, chính quyền nên có những biện pháp kiên quyết và cụ thể nhằm hạn chế, cũng như về lâu dài tiến tới xóa bỏ tình trạng đeo bám làm phiền du khách.
LÊ GIANG (ĐH Quốc gia Hà Nội)