Nan giải hàng lậu

Những ngày cuối năm, tại hầu hết cửa khẩu trong cả nước, từ các tỉnh biên giới Tây Nam, miền Trung, cho tới các cửa khẩu phía Bắc luôn sôi động suốt ngày đêm. Hàng hóa trao đổi qua biên giới từ cửa khẩu chính ngạch tới đường tiểu ngạch luôn tràn ngập, trong đó có không ít hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng.

Theo thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi năm có trên 1 vạn vụ buôn lậu và gian lận thương mại bị phát hiện và xử lý, trong đó phần lớn là buôn lậu qua biên giới.
 
Thực tế những số liệu về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được phát hiện trong thời qua chỉ mới phản ánh được một phần nào đó của “cuộc chiến” nóng bỏng này. Trước đây, hàng lậu, hàng giả được nhập khẩu trái phép qua biên giới chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng cao. Nhưng nay, bất cứ mặt hàng nào có lợi nhuận cao thì đối tượng buôn lậu tìm cách nhập lậu, không chỉ có thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử mà còn cả ma túy, tiền giả, cho tới các loại vũ khí thô sơ.

Trước tình hình buôn lậu ngày càng gia tăng và phức tạp nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành phố có cửa khẩu biên giới càng siết chặt kiểm tra, kiểm soát gắt gao, các đối tượng buôn lậu càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thích nghi với tình hình. Không chỉ chia nhỏ hàng để dễ vận chuyển, sử dụng người già, phụ nữ, trẻ em vận chuyển hàng qua biên giới mà đối tượng buôn lậu còn sử dụng một đội ngũ “chim lợn” với phương tiện hiện đại theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng.

Thậm chí, khi bị phát hiện tịch thu hàng lậu còn tổ chức chống đối lực lượng chức năng, đánh cướp lại hàng hóa bị tịch thu. Ngay cả khi lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ buôn lậu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý, tiêu hủy hàng lậu vì gặp nhiều vướng mắc cả chủ quan lẫn khách quan. Rõ ràng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang thực sự trở thành vấn nạn nan giải, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm thất thu ngân sách nhà nước và làm rối loạn hoạt động thương mại.

Để “cuộc chiến” chống buôn lậu và hàng giả hiệu quả hơn, đòi hỏi cần nhiều giải pháp cụ thể và toàn diện hơn. Trong đó, phải tăng cường sự lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa giữa chính quyền, lực lượng chức năng và người dân trong phòng chống buôn lậu, hàng giả. Đồng thời nhanh chóng sửa đổi các cơ chế chính sách, quy định còn bất cập; đặc biệt cần phải đẩy mạnh việc sản xuất hàng hóa trong nước và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục