Nguồn tài chính lớn từ đâu giúp nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mở rộng hoạt động vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Dầu mỏ vẫn được xem là một trong những nguồn thu chính của IS.
Khoảng 1 tháng trước, Mỹ bắt đầu tăng cường tấn công nguồn thu chính của IS khi mở rộng không kích các cơ sở dầu mỏ của nhóm khủng bố này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gọi công nghiệp dầu mỏ là "một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính" của IS. Nhưng việc Mỹ ném bom các cơ sở dầu mỏ của IS không phải dễ dàng cắt đứt nguồn thu này, như phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren đã thừa nhận tại cuộc họp báo ngày 13-11 rằng, trong nhiều trường hợp, thiệt hại đã được IS sửa chữa chỉ sau vài ngày.
Một cơ sở dầu mỏ của IS bị Mỹ không kích.
Ngay cả khi các cuộc không kích có thể gây thiệt hại lâu dài cho các cơ sở dầu mỏ của IS, có thể còn khó khăn hơn để triệt hạ những trụ cột tài chính khác của IS. Bloomberg ngày 19-11 dẫn lời các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết dầu mỏ đem lại cho IS khoảng 500 triệu USD một năm. Nhưng các nhà phân tích đã phát hiện rằng cướp ngân hàng, tống tiền và bảo kê chiếm một tỷ lệ cao trong nguồn thu của IS. Tổng nguồn thu IS rất khó tính, vào tháng 5-2015, The New York Times đã tổng hợp số liệu từ Rand Corporation và Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, IS thu được khoảng 1,2 tỷ USD trong năm 2014, gồm 600 triệu USD từ tống tiền và bảo kê ở Iraq; 500 triệu USD từ cướp các ngân hàng ở Iraq; 100 triệu USD từ dầu mỏ và 20 triệu USD từ bắt cóc tống tiền. Tuy nhiên, số thu từ dầu mỏ dường như đã bị đánh giá thấp. Đầu năm nay, IS công bố ngân sách 2015 dự kiến đến 2 tỷ USD.
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ theo dõi về tài trợ khủng bố Daniel Glaser nói hồi tháng 5: "Chúng tống tiền theo cùng cách mafia tống tiền doanh nghiệp. Chúng hoạt động trong từng khu vực cụ thể, nếu doanh nghiệp và cá nhân không muốn bị quấy nhiễu phải trả một khoản tiền bảo kê nhất định".
Nhưng nguồn thu ít được chú ý của IS là từ lĩnh vực nông nghiệp. Bloomberg Businessweek đã phân tích chi tiết việc kinh doanh này của IS, rằng ngay cả trước khi bắt tay thu hoạch ngũ cốc trên các cánh đồng màu mỡ, IS đã nắm giữ các hầm chứa lúa mì ở Iraq trị giá đến 200 triệu USD. Hiện IS kiểm soát diện tích nông nghiệp trên khắp các thung lũng sông Tigris và Euphrates hằng năm đem lại 1/2 sản lượng lúa mì của Syria và 1/3 của Iraq, cùng gần 40% sản lượng lúa mạch của Iraq, theo các quan chức nông nghiệp Liên hiệp quốc và 1 chuyên gia kinh tế Syria. Lĩnh vực nông nghiệp có thể mang lại cho IS mỗi năm 200 triệu USD, thậm chí ở mức giá rẻ trên thị trường chợ đen. Và làm thế nào có thể tiến hành không kích các cánh đồng?
Thật khó phá vỡ tài chính của một tổ chức không tích hợp với thế giới bên ngoài. Không có tài sản đáng kể của IS trong các ngân hàng nước ngoài để đóng băng. Có rất ít giao dịch thương mại của IS với nước ngoài để cắt đứt. Như Aymenn Jawad Al-Tamimi của Middle East Forum đã viết: "Sự đồng thuận hiện nay dường như chấp nhận rằng IS không phụ thuộc các nguồn tài trợ nước ngoài trong cách nào có ý nghĩa".
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Glaser nói rằng Mỹ đã "làm việc để đảm bảo rằng các lãnh thổ IS hoạt động là hoàn toàn bị tách rời khỏi hệ thống tài chính quốc tế", nhưng các công cụ ngân hàng quốc tế không hoàn toàn thích hợp để phá vỡ nền kinh tế khép kín, chủ yếu dựa trên tiền mặt mà IS đang điều hành.
THIỆN NGUYỄN