Cô giáo Nguyễn Thị Nhung ở Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Yên Bái) tự nhận mình là người mẹ không được may mắn như bao nhiêu phụ nữ khác vì có một cô con gái tàn tật. “Điều mà tôi buồn nhất là con gái chưa một ngày được đến trường cùng bạn bè. Mặc dù vợ chồng tôi đã chữa chạy cho con ở khắp các bệnh viện”, cô kể. Những lúc thấy con đứng ở cửa nhìn các bạn đi học, cô chỉ biết thương con rơi nước mắt nhưng hoàn cảnh ấy không khiến cô nản lòng. Nghĩ được và làm được, nuốt nỗi buồn của mình vào lòng, 16 năm qua cô đã dạy ôn thi cho 660 em đậu vào các trường đại học, miễn học phí cho hơn 300 em, trực tiếp giảng dạy trên lớp cho hơn 7.000 học sinh.
Bao năm rồi, cô đã chia sẻ, gần gũi, động viên, định hướng cho các em, nhất là với các học sinh chịu nhiều thiệt thòi. Nhận lại, các em rất tin tưởng cô giáo, sẵn sàng tâm sự, chia sẻ tất cả tâm tư của mình. Nhờ vậy mà cô trò không có sự xa cách. Cô vừa là cô giáo vừa là người mẹ thứ hai của các em. Đó cũng là lý do mà cô, dù với đồng lương eo hẹp của nhà giáo, vẫn luôn dành dụm một phần thu nhập ít ỏi của mình để giúp học sinh nghèo. Số tiền đó, cô dành để tặng quà cho các em có nhiều cố gắng trong học tập hoặc mở lớp dạy học cho các em học sinh nghèo không thu tiền.
Trồng cây ắt có ngày hái quả. Những gì cô Nhung đã làm đang nhân lên những hạt giống tốt lành. “Trong số đó, có một học sinh nhà rất nghèo, ở trọ quá vất vả, tôi đón em về nhà ở. Tôi lo cho em mọi thứ, em rất chăm học, ngoan, học tiến bộ hơn hẳn và đã thi đậu Học viện Bưu chính - Viễn thông. Trong bữa cơm thân mật của gia đình em, tôi không cầm được nước mắt khi một cụ già gần 80 tuổi cầm tay tôi và nói: Cảm ơn cô giáo, cô thật tốt, nhờ cô mà xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên, Yên Bái) 10 năm nay mới có 1 cháu đậu đại học”, cô kể lại kỷ niệm khó quên đó với giọng xúc động. Càng hạnh phúc hơn khi em học sinh đó đã tốt nghiệp thạc sĩ tại Hàn Quốc và đang có công việc tốt ở Hà Nội.
“Tháng 11-2008, tôi phải nằm viện, tất cả học sinh đã đến thăm tôi. Các em đã khóc thật nhiều. 47 em lớp 10 T3 đến thăm tôi với một lẵng hoa thật đẹp và một lọ thủy tinh trong đó có 47 điều ước. Tập thể lớp 10T2 tặng tôi một lọ thủy tinh và nói: “Thưa cô, cả đêm qua chúng em đã gấp được 997 con hạc và 3 điều ước, mong cô mau khỏe để về với chúng em”, cô xúc động kể lại.
Hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng cô chưa một ngày ngừng phấn đấu. Năm 2003, cô trúng tuyển cao học. Nhưng ngày nhập học cũng là ngày con gái cấp cứu nên phải bảo lưu kết quả 1 năm. Năm 2006, cô tốt nghiệp thạc sĩ với điểm trung bình các môn cao nhất khóa. Cô biết, yêu thương học trò chưa đủ, phải truyền được tri thức, nâng cánh những ước mơ cho các em.
PHAN THẢO