Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015” đang được Bộ GD-ĐT tích cực xây dựng. Với định hướng xây dựng, GDPT sau năm 2015 sẽ có nhiều khác biệt so với hiện nay. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi với PV Báo SGGP về một số nội dung cơ bản của đề án này.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT sau năm 2015 đã được triển khai tới đâu?
>> Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN: Hiện Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị viết đề án để Chính phủ phê duyệt. Song song đó, bộ cũng chuẩn bị các công việc sau đề án, việc cụ thể triển khai đề án để hai giai đoạn bổ sung cho nhau, vừa làm cái chung vừa làm cái riêng.
- GDPT sau năm 2015 khác gì giáo dục hiện tại?
Sẽ khác nhiều. Nhưng quan trọng nhất là làm thế nào chương trình và SGK hỗ trợ giáo viên dạy cho học sinh có năng lực phân tích kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hơn so với hiện nay. Chương trình sẽ toàn diện hơn, bổ sung những khiếm khuyết của chương trình hiện nay (hạn chế về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, khả năng tích hợp nội dung các môn học chưa cao...).
- Sau năm 2015, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ bỏ độc quyền SGK?
Sẽ có một bộ chương trình chung nhưng cũng có nhiều bộ SGK khác nhau. Tuy nhiên, SGK đều phải được bộ phê duyệt mới có thể đưa vào sử dụng.
- Định hướng chương trình GDPT sau năm 2015 cũng sẽ thực hiện việc tích hợp nội dung môn học. Điều này có khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?
Sẽ khó dạy hơn, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải có năng lực tổng hợp kiến thức, vận dụng kỹ năng rộng hơn những vấn đề trong cuộc sống cũng như học tập. Cuộc sống đòi hỏi nhiều kiến thức khác nhau chứ không chỉ riêng một môn nên tích hợp là yêu cầu tất yếu phải làm, khó cũng phải làm, chỉ có điều làm sao cho phù hợp với điều kiện chúng ta hiện nay, tức có tính khả thi, bộ sẽ cố gắng để khả thi. Tích hợp không phải ghép môn. Ghép môn chỉ là cách làm tích hợp, để tạo điều kiện cho giáo viên nhìn vấn đề một cách tổng quát.
- Đang có lo ngại thực hiện đổi mới với điều kiện hiện nay còn quá khó khăn, nhất là thực hiện chương trình tích hợp, giáo viên sẽ khó dạy?
Đúng thế, giáo viên là lực lượng thực thi đổi mới. Đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu, nơi thừa nơi thiếu, không cân đối, chế độ chính sách không đảm bảo… Khó khăn nữa là thời lượng dạy chưa đảm bảo.
Có rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng giáo viên vì nếu không giải quyết vấn đề giáo viên thì đổi mới sẽ thất bại. Trong đó có việc đào tạo giáo viên theo nhu cầu. Việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cũng phải đào tạo tích hợp, nhưng không có nghĩa trường sư phạm phải chờ chương trình phổ thông mới rồi mới giảng dạy tích hợp, vì đào tạo tích hợp thực ra là đào tạo năng lực vận dụng kiến thức một cách tổng hợp chứ không phải học nhiều hay học ít. Tích hợp là năng lực chung mà mọi người cần có, không chỉ đào tạo giáo viên. Ngoài ra, chế độ chính sách cho giáo viên cũng phải thỏa đáng.
- Khi thay đổi mục tiêu GDPT cũng như thiết kế chương trình mới, cũng cần thay đổi cách đánh giá kết quả học sinh cho phù hợp?
Đúng thế. Một khiếm khuyết của chương trình GDPT hiện nay tuy nói đổi mới chương trình dạy học nhưng lại không quan tâm đến đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Bộ đã phát hiện điều này và tích cực sửa trong vài năm gần đây nhưng phải tiếp tục trong những năm tới. Hiện phương pháp kiểm tra đánh giá của mình rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
- Bao giờ triển khai được đề án, thưa Thứ trưởng?
Dự kiến sau 2015 nhưng không có nghĩa là năm 2016 làm ngay. Bây giờ đang tích cực chuẩn bị công việc, khi nào ổn sẽ triển khai. Bộ cũng nghĩ đến phương án không triển khai đồng loạt, mà nơi nào đủ điều kiện sẽ làm trước.
Lâm Nguyên