Năm 2012, hầu hết các ngành kinh tế của nước ta gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành du lịch vẫn tiếp tục phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa công bố, trong năm qua nước ta đã đón tiếp 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu 160.000 tỷ đồng… Trong cơn lốc suy thoái kinh tế năm qua, việc ngành du lịch tiếp tục đứng vững và khẳng định vị thế thực sự là một tín hiệu đáng mừng.
Theo Tổng cục Du lịch, chuyển biến của ngành không chỉ dừng lại ở các con số thống kê, thực tế nhiều địa phương đã chú trọng hơn khi đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Công tác quảng bá du lịch cũng được đẩy mạnh cùng với việc thường xuyên nâng cấp, cập nhật thông tin chuyên ngành trên website của tỉnh, của sở đã đem lại nhiều kết quả khả quan.
TPHCM trong năm 2012 đã đón được 3,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 8,5% so với năm 2011, tổng thu từ khách du lịch đạt 68.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng thu từ du lịch của cả nước. Hà Nội đón 14,4 triệu lượt khách, tăng 6,3% so với năm 2011, trong đó khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt khách… Đáng chú ý, các địa phương Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa được đánh giá là điểm sáng của du lịch Việt Nam, bứt phá trở thành các điểm du lịch quan trọng của khu vực Trung bộ và cả nước.
Nhiều khu du lịch, resort, khách sạn mới được khởi công hoặc hoàn thành đưa vào phục vụ du lịch đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường năng lực, điều kiện cho ngành bung ra phát triển. Việc đầu tư các dự án du lịch, các khách sạn lớn đang trở thành xu hướng chủ đạo thúc đẩy quá trình chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu.
Theo bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong thời điểm nhiều doanh nghiệp phải lâm vào tình trạng phá sản thì các doanh nghiệp du lịch lại tỏ ra khá năng động, sáng tạo, có tư duy và cách làm mới, tạo ra được sự bứt phá hiệu quả về mô hình tổ chức kinh doanh, trở thành điểm sáng của ngành.
Tổng cục Du lịch vừa công bố mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 đạt 7,2 lượt triệu du khách quốc tế. So với lượng khách đến các nước có ngành “công nghiệp không khói” phát triển trong khu vực, đây chưa phải con số lớn. Tuy nhiên, đối với ngành du lịch Việt Nam còn khá non trẻ, để đạt được mục tiêu này cần tập trung giải quyết một số vấn nạn đã tồn tại nhiều năm qua, như tình trạng lừa đảo, ép khách, cướp giật tại những địa bàn du lịch trọng điểm.
Các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng cũng cần được cải thiện… Hàng loạt các biện pháp kích cầu của ngành dịch vụ đặc biệt này cũng được đưa ra như đẩy mạnh hoạt động E-marketing và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam; tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Australia, Pháp, Nga…
Trên đà phát triển đi lên của du lịch Việt Nam cùng hàng loạt các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt sẽ được thực hiện trong năm 2013, chúng ta có thể tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ bứt phá để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.
Vĩnh Xuân