Ngày 22-9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp đầu vào đối với tăng trưởng còn hạn chế; còn phải có thời gian để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải và nợ đọng xây dựng; việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm...
Tiếp tục tinh giản bộ máy nhà nước
Liên quan đến xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng thông tin, đến nay tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 91,4% tổng số nợ xấu tính đến thời điểm tháng 9-2012. Đến cuối tháng 8-2015, nợ xấu chiếm 3,2% tổng dư nợ, phấn đấu giảm về mức dưới 3% đến ngày 30-9-2015. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Trong lĩnh vực công thương, đáng lưu ý là những biến động về khả năng cung cấp nhiên liệu và việc chậm tiến độ của nhiều dự án nguồn điện khu vực miền Nam gây nguy cơ không bảo đảm cung cấp đủ điện cho miền Nam trong các năm từ năm 2017 - 2020. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề, khu - cụm công nghiệp và lưu vực sông cần có thêm thời gian tiếp tục xử lý; năng lực quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, quản lý kỹ thuật phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn gần đây xuất hiện trở lại; chất lượng một số công trình giao thông chưa bảo đảm.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương được quản lý chặt chẽ; cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định; song cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh.
Thiếu đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, về cơ bản, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội tán thành với những đánh giá, nhận định của Chính phủ. Mặc dù vậy, chỉ có một số báo cáo theo lĩnh vực có nội dung đáp ứng đúng theo yêu cầu đề cương đã gửi; một số báo cáo đã bám sát theo đề cương nhưng còn thiếu phần báo cáo tổng hợp tình hình trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; một số báo cáo đã bám sát theo đề cương nhưng chủ yếu nêu kết quả thực hiện và giải pháp thời gian tới mà ít nêu tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; một số báo cáo ít nêu tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của người đứng đầu. Chính phủ đã tích cực trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nghị quyết. Tuy nhiên, theo các cơ quan thẩm tra, chỉ có một số nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề được Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện. Phần lớn các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp không được Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; không có đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; dẫn tới thiếu thống nhất trong việc tổ chức thực hiện hoặc trùng lặp trong việc báo cáo thực hiện, khó kiểm tra, giám sát, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan.
Góp ý về các báo cáo nêu trên, các ý kiến trong UBTVQH đề nghị khoanh định rõ phạm vi đánh giá, tránh lẫn lộn với việc báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung chung. Cho rằng các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về chất vấn, giám sát chuyên đề đã có tác động rất tích cực, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận xét, các báo cáo đều khá mờ nhạt về công tác cán bộ, cả trong lĩnh vực hoạch định chính sách lẫn tổ chức thực hiện. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhìn nhận, một trong những tồn tại đáng kể là công tác ban hành văn bản pháp luật vẫn chậm, nhất là văn bản hướng dẫn. Việc kiểm tra, thanh tra, xử lý những vấn đề hậu giám sát cũng có nhiều hạn chế, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai và thủ tục hành chính.
|
ANH THƯ