Nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân

(SGGP). – Nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố là một trong những vấn đề chính được đưa ra tại Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2011 – 2016, ngày 9-5 tại TPHCM.

(SGGP). – Nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố là một trong những vấn đề chính được đưa ra tại Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2011 – 2016, ngày 9-5 tại TPHCM.
 
Hội nghị là diễn đàn để HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra giải pháp tích cực cho hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của HĐND. Các ý kiến từ Thường trực HĐND TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng và Long An tập trung vào vấn đề cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Đại diện Thường trực HĐND một số tỉnh cho rằng, một trong những việc cần thiết nhất là nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị của cử tri. Một số ý kiến cũng kiến nghị nên tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để nội dung được đề cập, thảo luận sẽ tập trung, đúng tầm và có kết quả.
 
Nhiều ý kiến cho rằng cần kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND. Ông Đặng Đình Mùi, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Lâm Đồng, nêu lên một thực tế mà HĐND tỉnh, TP đều bức xúc là HĐND chỉ có quyền kiến nghị chính quyền hay các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết kiến nghị cử tri còn việc giải quyết hay không thì HĐND không thể can thiệp!
 
Ngay cả khi kiến nghị chưa được giải quyết, HĐND đi giám sát để làm rõ vì sao kiến nghị rồi nhưng cơ quan chức năng vẫn phớt lờ thì HĐND cũng chỉ biết tiếp tục… kiến nghị! Theo ông Trần Đình Khoa, Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì HĐND tỉnh, thành phố quyền lực chưa cao nên không thể chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước hay chính quyền địa phương.

Theo ông Khoa, nếu có Luật Giám sát của HĐND và quy định các biện pháp chế tài đầy đủ, rõ ràng khi các cơ quan chức năng không hoặc chậm thực hiện kiến nghị của HĐND, lúc đó vai trò cơ quan quyền lực của HĐND tại địa phương mới thực sự là cơ quan đại diện cho cử tri và nhân dân.
 
Tuy nhiên, dù thiếu công cụ pháp luật để chế tài, nhưng không ít HĐND tỉnh, thành phố giải quyết kiến nghị của cử tri một cách hiệu quả do có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan dân cử, chính quyền và các đoàn thể.

Dẫn chứng kinh nghiệm thực tế tại TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nếu HĐND phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ cũng như UBND TP thì việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ mang lại hiệu quả cao.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục