Nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bức thiết

Nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bức thiết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 38

(SGGP).- Ngày 11-5, phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Nông sản chịu sức ép tứ bề

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2014, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn và không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Lạm phát được kiểm soát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2014 tăng 1,84% so với tháng 12-2013 (số đã báo cáo Quốc hội là 4,5% - 4,6%); bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Sang năm 2015, tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, công nghiệp - xây dựng là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ lo ngại về việc 2 tháng gần đây thị trường bên ngoài xấu đi, tác động tiêu cực đến nông, lâm nghiệp. “Trên mọi “mặt trận”, sản phẩm của chúng ta đều gặp sức ép, chứ không riêng gì dưa hấu, hành tím” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Với đà phục hồi tăng trưởng trong quý 1-2015, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp sẽ là thách thức rất lớn khi thành lập cộng đồng ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện năng lực cạnh tranh là thúc đẩy, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo trong nhân dân, trong doanh nghiệp…

May áo sơ mi tại Công ty May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

“Giải pháp tấm lòng” là chưa đủ

Ghi nhận những điểm sáng, song các ý kiến trong UBTVQH cho rằng, các báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra cần phân tích rõ hơn nguyên nhân và giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tồn tại, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói: “Một số mặt hàng nông sản không tiêu thụ được, khiến đời sống của người dân hết sức khó khăn; xã hội phải chung tay bán giúp. Nhưng đó chỉ là “giải pháp tấm lòng”. Chính phủ nên quan tâm phân tích và có giải pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh được trên thị trường”. Có cùng nỗi trăn trở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu vấn đề: “Những tồn tại hôm nay được báo trước rất nhiều năm nhưng vì sao vẫn hiện hữu? Bắt được bệnh thì mới có giải pháp hữu hiệu”. Giải pháp chiến lược chung của Chính phủ thế nào cũng là câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý, bên cạnh nhược điểm của nông nghiệp, cần nhìn nhận, đánh giá đúng mức hạn chế của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. “Không thay đổi năng suất lao động, không đưa được khoa học công nghệ vào thì dễ rơi vào bẫy trung bình. Nếu cứ như thế này thì không chỉ năm nay mà các năm sau cũng gặp khó khăn” - ông Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Năng lực của đội ngũ cán bộ nhiều bất cập

Thẳng thắn đưa ra bình luận trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cải cách hành chính từ 2001 đến 2010 đạt kết quả thấp; giai đoạn 2011-2020 đã đi được nửa chặng đường nhưng cũng chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Đây là điều rất đáng báo động. Ông Quyền đề nghị Chính phủ “cần có đánh giá nghiêm khắc về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước”. Theo ông Quyền, Hiến pháp mới ban hành đã được gần 2 năm, các cơ quan, trong đó có Quốc hội, đẩy mạnh và tăng cường làm chính sách nhưng chính sách đó có đi vào cuộc sống, được đổi mới và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hay không lại phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ. “Mấy hôm nay tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp, tôi thấy đáng lo ngại vì trình độ dường như không được nâng lên mà còn đi xuống. Khi thi vấn đáp về nội dung quản lý nhà nước thì rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ, lơ mơ làng màng” - ông Nguyễn Đình Quyền nhận xét.

Nhận xét về các báo cáo tài chính của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, báo cáo rõ ràng, thể hiện sự nghiêm túc của ngành tài chính, đặc biệt là quyết tâm lập lại trật tự, kỷ luật tài chính của Chính phủ. Tuy nhiên, yêu cầu xử lý tài chính được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định là “tương đối lớn”, phải kiên quyết khắc phục, thu hồi. Về báo cáo thực hành tiết kiệm, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng lưu ý, bên cạnh việc chỉ ra tồn tại thì cũng cần biểu dương các đơn vị làm tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu giải trình rõ tỷ lệ bội chi 6,6%, đảm bảo sự minh bạch, nhất quán. “Nợ công cũng phải đưa vào đầy đủ, gồm cả trung ương vay, địa phương vay và cả bảo lãnh doanh nghiệp. Vay nợ phải tính kỹ khả năng trả nợ” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu. Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý đến hiệu quả của chủ trương năm 2014 không mua xe công để tiết kiệm: “Xe cũ nhiều nên chi phí sửa chữa cũng tăng cao. Nếu triển khai quản lý xe công theo hình thức tập trung theo nghị định do Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành thì sẽ rất tốt, tạo chuyển biến thực sự trong quản lý xe công”.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Vấn đề nợ công và khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được Quốc hội thảo luận, nên các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị kỹ để giải trình cụ thể, thuyết phục trước Quốc hội”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục