UBND TPHCM vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành TP và UBND các quận, huyện tham gia góp ý về dự thảo Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án nâng cao năng lực PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực.
Mục đích của kế hoạch này là tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của lực lượng PCCC TP (gồm dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở, chuyên trách; chuyên ngành và Cảnh sát PCCC TPHCM) ngang tầm với các nước trong khu vực. Trong từng giai đoạn, phấn đấu kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo dự thảo kế hoạch, có 9 nhóm nội dung quan trọng được TP lấy ý kiến góp ý nhằm thực hiện tốt đề án trên.
Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ được đầu tư để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC
Thứ nhất, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia PCCC. Hoạt động tuyên truyền phải tác động đến mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, mọi ngành, mọi lĩnh vực với mục tiêu nâng cao trách nhiệm, ý thức và nhận thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong toàn thể cộng đồng.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Phổ biến rộng rãi các quy định về pháp luật PCCC và cứu nạn cứu hộ trong toàn xã hội nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được tuân thủ và thực thi đúng, đầy đủ. Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong cơ quan, tổ chức, cơ sở… đảm bảo pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC, lấy cải cách hành chính là một khâu quan trọng và phải được tổ chức thực hiện thường xuyên.
Thứ ba, xây dựng và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC. Các sở, ngành, UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động PCCC. Chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, áp dụng, thực hiện quy định của pháp luật; đảm bảo điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết để nhân dân tham gia hoạt động PCCC.
UBND các cấp phải chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng và phát huy tác dụng của các mô hình hoạt động PCCC trong cộng đồng như phường điểm, khu phố điểm về PCCC; các mô hình tự quản trong PCCC.
Thứ tư, nâng cao năng lực của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên trách, lực lượng PCCC chuyên ngành (gọi chung là lực lượng PCCC tại chỗ). UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức, thành lập và củng cố về tổ chức, nhân lực của lực lượng tại chỗ đảm bảo về tổ chức, biên chế theo quy định.
Công tác huấn luyện phải được tổ chức thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần được lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng này. Hàng năm, phải tổ chức kiểm tra về nghiệp vụ 2 lần để đánh giá chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện. Xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án của lực lượng tại chỗ để nâng cao kỹ năng, khả năng và chủ động trong xử lý các tình huống cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ.
Tiếp tục rà soát, bổ sung các nguồn nước chữa cháy ở những khu dân cư hẻm sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận được nhằm chủ động trong chữa cháy.
Các sở, ngành nghiên cứu xây dựng tiêu chí chuẩn về đánh giá chất lượng huấn luyện, tập luyện của lực lượng tại chỗ. Đưa kết quả đánh giá huấn luyện, tập luyện vào làm một nội dung thi đua của cơ quan, tổ chức, địa phương.
Quy hoạch phải tính đến điều kiện lưu thông phục vụ cho chữa cháy
Thứ nhất, xây dựng lực lượng và đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM. Trong năm 2015, hoàn thành Dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, làm cơ sở để xây dựng, củng cố, kiện toàn nhân lực; trang bị phương tiện kỹ thuật và đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP.
Trước mắt, tổ chức thực hiện những giải pháp có tính chất thiết thực, cấp bách như bố trí trụ sở Cảnh sát PCCC ở tất cả các quận, huyện; đảm bảo nhân lực cho các đơn vị mới thành lập trang bị phương tiện kỹ thuật và điều kiện cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ trong giai đoạn hiện nay.
Cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư trang bị công cụ, phương tiện kỹ thuật cần thiết để phục vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ; thay thế phương tiện lạc hậu, quá hạn sử dụng, thiếu an toàn. Ưu tiên trang bị những phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần sử dụng trong những điều kiện đặc thù như: chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhà cao tầng, công trình ngầm, đường hầm; chữa cháy, xử lý sự cố hóa chất; phương tiện tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trong công trình bị sụp đổ, dưới nước; các dụng cụ bảo hộ cá nhân… Đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, doanh trại, trang thiết bị phục vụ công tác và thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Thứ sáu, đảm bảo điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Các sở, ngành, UBND quận, huyện phối hợp thực hiện quy hoạch, rà soát, bố trí hoàn chỉnh mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC đáp ứng bán kính phục vụ theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 (bán kính tối đa 3-5km).
Các sở, ngành, UBND quận, huyện khi tổ chức quy hoạch mạng lưới giao thông cần phải tính toán đến điều kiện lưu thông phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các dự án quy hoạch khu đô thị mới hoặc các dự án cải tạo, chỉnh trang, quy hoạch lại khu đô thị cũ.
Các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức rà soát, lắp đặt hoặc bố trí bổ sung các nguồn nước phục vụ chữa cháy, hình thành nên mạng lưới cấp nước chữa cháy hoàn chỉnh trên địa bàn TP. Tạo nguồn nước chữa cháy trong các khu dân cư hẻm sâu, lắp đặt bổ sung, sửa chữa, duy tu các trụ nước chữa cháy trên các tuyến đường với khoảng cách giữa các trụ không quá 300m; bố trí các bến, bãi lấy nước chữa cháy dọc theo các tuyến sông, sạch trên địa bàn TP.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng CNTT, khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đẩy nhanh tiến trình kết nối cảnh báo cháy từ các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội với hệ thống xử lý của lực lượng Cảnh sát PCCC để phát hiện cháy sớm và chữa cháy từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy.
Tăng cường hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc và thuận lợi trong công tác nắm tình hình, công tác quản lý cơ sở, địa bàn.
Thứ tư, huy động tiềm lực xã hội, khoa học công nghệ phục vụ cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ năm, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ.
BẢO PHƯƠNG