Nâng cao năng lực quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số

Chiều 18-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Ngày 6-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt đề án này. Mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ các nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số…

Nâng cao năng lực quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại hội nghị trực tuyến triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử

Theo báo cáo, Bộ Công an là một trong những bộ ngành có nhiều nỗ lực và quyết liệt trong chuyển đổi số và đạt kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình - tế bào của xã hội; là nền tảng để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của hơn 98 triệu dân cư, hệ thống dữ liệu này được cán bộ, chiến sĩ công an của hơn 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc vận hành thông suốt, hàng ngày.

Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là những kết quả hết sức ấn tượng, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nhân dân cùng các bộ ngành, địa phương suốt gần 2 năm qua để có được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tập trung, hiện đại. Việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Kết quả đó tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu; góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, chuyển đổi thông minh. 

Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai đề án là phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023. Các tỉnh thành thành lập tổ công tác để triển khai đề án.

Các bộ ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong đề án. Bộ Tư pháp, Bộ LĐTB-XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vaccine, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin.

Đồng thời đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… và sắp tới là đất đai, chứng khoán.

Tin cùng chuyên mục