Báo SGGP vừa đăng tải loạt bài báo động về tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn để kinh doanh kiếm lời bất chính, bất chấp sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên vấn đề nêu ra hiện nay là vai trò của các lực lượng chống buôn lậu, chính quyền ở nơi có các cửa khẩu ra sao khi thực phẩm ngoại bẩn vẫn vô tư vào trong nước. PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN VĂN BÌNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 127 về công tác chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn, để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa ông, vì sao từ nhiều năm qua Lạng Sơn vẫn là điểm nóng về buôn lậu các mặt hàng, nhất là về thực phẩm?
>> Ông NGUYỄN VĂN BÌNH: Theo tôi, Lạng Sơn là tỉnh giáp biên, có 2 cửa khẩu quốc tế và rất nhiều cửa khẩu phụ để thúc đẩy quan hệ buôn bán hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Nếu so sánh kim ngạch, Lạng Sơn là nơi “xuất siêu”. Đặc biệt là xuất khẩu các loại nông sản, trái cây từ các địa bàn khắp cả nước, chủ yếu là ở Nam Trung bộ và miền Nam đưa ra.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về xuất khẩu hàng hóa rất mạnh như vậy, cũng có cái khó trong vấn đề kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Do địa bàn trải rộng, có tới 231km đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khi không chỉ doanh nghiệp mà cả lực lượng lao động, làm thuê mà chúng ta vẫn quen gọi là “cửu vạn” kéo lên cũng rất đông. Vì vậy, việc quản lý là rất khó khăn, không phải lúc nào cũng kiểm soát hết được. Trong khi đó, do thị trường và nhu cầu trong nước về các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ tiêu dùng… lại rất cao, giá cả hàng hóa nhập khẩu quá rẻ, giá thành thấp hơn nhiều sản phẩm hàng hóa trong nước nên cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng cố tình áp dụng các hình thức buôn bán không đúng luật, lợi dụng kẽ hở về cơ chế chính sách để thực hiện hành vi buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại qua các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới.
- Vậy vai trò của các cơ quan chức năng như thế nào?
Để thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hạn chế tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, thực phẩm bẩn tràn vào nội địa, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh và tất cả các lực lượng chức năng về chống buôn lậu tăng cường công tác triển khai chống buôn lậu.
Việc triển khai của chúng tôi bắt đầu thực hiện quyết liệt từ giữa năm 2012 đến nay, bằng nhiều giải pháp để quyết tâm ngăn chặn hàng lậu. Thực tế, cho đến nay tình trạng buôn lậu vẫn còn xảy ra nhưng đã giảm thiểu hơn trước khá nhiều. Các giải pháp mà chúng tôi đã chỉ đạo như lập kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan tới công tác chống buôn lậu. Ở tuyến biên giới, qua các cửa khẩu thì trách nhiệm chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế được giao cho lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng và chính quyền các địa phương sở tại. Trong khu vực nội địa, trách nhiệm kiểm tra kiểm soát hàng hóa lưu thông, tập kết thuộc về lực lượng quản lý thị trường và công an. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp cùng UBND các huyện kiểm tra, chống hàng hóa lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tại các chợ trên địa bàn. Công an tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ nắm bắt, điều tra các đường dây, tụ điểm buôn lậu để bằng các nghiệp vụ phù hợp xử lý đối tượng.
- Các lực lượng có hoàn thành được trách nhiệm của mình không?
Qua việc giao và quy rõ trách nhiệm cho từng lực lượng chức năng chúng tôi thấy rằng, tình trạng buôn lậu đến nay có giảm. Đặc biệt, vào những thời điểm nhạy cảm như dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa nhập về nhiều và đối với các mặt hàng nhạy cảm như gia cầm, thịt bẩn, pháo lậu, ma túy, tiền giả…, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng biên phòng Lạng Sơn cắm hàng loạt chốt ở các cột mốc vẫn được coi là nóng về buôn lậu. Đến nay đã lập được 17 cái chốt ở dọc biên giới để ngăn chặn gia cầm không rõ nguồn gốc tràn vào nội địa. Lực lượng biên phòng và hải quan vẫn túc trực 24/24. Để ngăn chặn, chúng tôi đã thống nhất việc cho rào các đường mòn ở biên giới bằng dây thép gai để ngăn người dân vác hàng lậu qua. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người dân và các đối tượng tìm mọi cách nhập hàng lậu qua địa bàn. Các điểm nóng như đường mòn mốc 386, Gốc Chanh, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, Bãi Giang - Đồng Đăng và Chi Ma - Lộc Bình vẫn được các “cửu vạn” vác hàng qua biên giới. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, buôn lậu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn là vấn đề nóng bỏng. Lực lượng chức năng đã bắt được rất nhiều vụ, số vụ tăng đột biến so với năm ngoái. Đến nay, chỉ riêng về thực phẩm đã bắt được tổng số 618 vụ buôn hàng lậu, tịch thu tiêu hủy 98.326kg gà thịt, 465.000 con gia cầm giống, 5.843kg vịt thịt sẵn, 7.874kg chim bồ câu, 5.200 trứng gia cầm và nhiều loại thực phẩm khác.
Bên cạnh phải đối phó với các thủ đoạn cũ, hiện nay lực lượng chống buôn lậu của chúng tôi còn gặp thêm những khó khăn như các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn mới để qua mặt, lách các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như tổ chức theo dõi hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng, lôi kéo cư dân biên giới, thông thuộc địa hình để mang vác gia cầm nhập lậu qua biên giới. Thậm chí sử dụng xe máy, ô tô loại 4 - 7 chỗ ngồi đón hàng ngay chân đường mòn biên giới, sau khi hàng về là đưa lên xe chạy với tốc độ cao theo các đường vòng tránh các đơn vị kiểm soát... Hình thức buôn lậu gia cầm khó kiểm soát nhất hiện nay là người ta xách nhỏ lẻ về nhà nuôi rồi đưa ra chợ thì cơ quan chức năng cũng không thể nào kiểm soát, phân biệt hết được. Dù thực hiện nhiều biện pháp, chỉ đạo làm hết sức mình nhưng với một tỉnh có 231km đường biên giới như Lạng Sơn thì cũng không thể chấm dứt được 100%.
- Lực lượng nhiều nhưng buôn lậu vẫn “làm ăn được” phải chăng là do cơ quan chức năng chưa thật sự xử lý được các “đầu nậu”?
So với các địa phương khác, đúng là số vụ buôn lậu bắt được trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cao hơn, với hàng trăm vụ như đã nói. Trong những thời điểm nhạy cảm, chúng tôi cũng đã kiểm tra, nắm các đối tượng vẫn thực hiện các hành vi vận chuyển hàng lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc vào nội địa để xử lý. Tuy nhiên qua việc điều tra, xử lý các đối tượng bắt được thì phải nói là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chúng tôi không có các đầu nậu lớn, cũng không có tụ điểm lớn. Hình thức buôn lậu chủ yếu là lợi dụng các xe buôn lậu nhỏ, rồi lợi dụng “cửu vạn” để vận chuyển nhỏ lẻ, tiêu thụ nhỏ lẻ, có trường hợp vận chuyển gia cầm lậu bằng cả xe 4 chỗ.
- Nguyên nhân nào là chính khi tình trạng buôn lậu hàng hóa, thực phẩm bẩn vào nội địa ngày càng gia tăng?
Nguyên nhân sâu xa, tôi cho rằng vẫn là do cơ chế thị trường. Chẳng hạn như gà thịt thải loại, gia cầm giống thì ở bên Trung Quốc lại rẻ hơn của ta rất nhiều. Mà nguồn gia cầm giống phục vụ nhu cầu cho bà con chăn nuôi ở trong nước thì lại không đủ. Trong khi ngay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, vì tập quán, bà con cư dân ở khu vực biên giới vẫn có thể sang bên kia mua về chăn thả. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng không có cơ sản xuất con giống gia cầm. Chênh lệch cung cầu và giá cả lợi nhuận là nguyên nhân các đối tượng đổ xô lên biên giới nhập hàng lậu về để kiếm lời. Vì thế, bên cạnh chống buôn lậu bằng cách biện pháp hành chính như tôi đã nói thì chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh sản xuất, giảm giá thành chăn nuôi trong nước, cung cấp đủ giống cho bà con, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng… mới có giải pháp căn cơ, toàn diện và hiệu quả được.
- Như ông vừa nói, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là gì?
Chẳng hạn như đối với mặt hàng gia cầm, hiện nay, như chúng tôi được biết, đó đều là loại gia cầm thải loại, không còn giá trị chăn nuôi. Còn về chất lượng an toàn thực phẩm cũng đã có nhiều cơ quan chức năng kiểm nghiệm và công bố. Vì vậy, theo tôi người dân cần căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm để chủ động “nói không” với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Từng người dân phải tự bảo vệ mình. Đó cũng là một giải pháp để đẩy lùi hàng lậu, thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường.
VĂN PHÚC - QUỐC KHÁNH thực hiện