Nâng cao thương hiệu cà phê Việt Nam

Tại buổi họp báo về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn Tự cho biết, nhiều khả năng năm 2011 kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 2 tỷ USD (năm 2010 là 1,7 tỷ USD) dù sản lượng xuất khẩu cũng tương đương năm 2010, khoảng trên 1 triệu tấn. Đó là do giá cà phê thế giới đang ở mức cao, từ 1.800 USD đến 1.900 USD/tấn, giá trong nước ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg. Với giá này người trồng cà phê lời trên 10.000 đồng/kg.
Nâng cao thương hiệu cà phê Việt Nam

Tại buổi họp báo về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn Tự cho biết, nhiều khả năng năm 2011 kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 2 tỷ USD (năm 2010 là 1,7 tỷ USD) dù sản lượng xuất khẩu cũng tương đương năm 2010, khoảng trên 1 triệu tấn. Đó là do giá cà phê thế giới đang ở mức cao, từ 1.800 USD đến 1.900 USD/tấn, giá trong nước ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg. Với giá này người trồng cà phê lời trên 10.000 đồng/kg.

Rang cà phê tại Lễ hội văn hóa cà phê tổ chức tại TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN
Rang cà phê tại Lễ hội văn hóa cà phê tổ chức tại TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Cà phê - “đại sứ” ngoại giao văn hóa

Theo Vicofa, Việt Nam (VN) là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Và xuất khẩu số 1 thế giới về cà phê Robusta. Cứ 10,5 ly cà phê mà người dân trên thế giới uống, có 1,5 ly từ VN nhưng người tiêu dùng thế giới lại chưa biết đến cà phê Việt Nam, vì 93% cà phê VN xuất khẩu bằng hạt, bán cho các nhà rang xay thế giới. So với sản lượng xuất khẩu, chỉ có 7% lượng cà phê VN sản xuất ra được tiêu thụ trong nước là quá thấp so với nhiều nước xuất khẩu cà phê khác trên thế giới. Vì vậy, chương trình “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là một lễ hội cấp quốc gia tổ chức định kỳ 2 năm một lần (như Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt…). Đây là tin vui, vì cà phê đã được đặt vào hàng những loại nông sản đặc trưng của VN, cần được tôn vinh. Ngoài ra, cà phê còn trở thành hình ảnh đại diện cho VN trong lĩnh vực kinh tế ra thế giới, như là đại sứ ngoại giao văn hóa của VN. Cà phê cũng được khẳng định là nhân tố mới cho mô hình phát triển bền vững trước những nguy cơ khủng hoảng toàn cầu mà VN đang tiên phong xây dựng.

Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết, sự khác biệt là lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong bối cảnh hiện nay. Dựa trên thế mạnh là thủ phủ cà phê của vùng đất Tây Nguyên và cả nước, cùng với giá trị đã được Chính phủ và thế giới công nhận, chúng tôi quyết định lấy cà phê là nhân tố chủ đạo cho sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắc Lắc. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một hoạt động quan trọng để tỉnh thực hiện mục tiêu đó qua con đường giao lưu văn hóa, liên kết thương mại, trong đó, sự khác biệt, độc đáo là yếu tố quyết định của lễ hội.

Liên minh các nước trồng cà phê

Trong khuôn khổ lễ hội, lần đầu tiên, một hội thảo cà phê quốc tế được tổ chức nhằm tiến đến thành lập một liên minh các nước trồng cà phê, với chủ đề phát triển ngành cà phê bền vững. Hội thảo có sự tham gia của khách mời quốc tế đến từ các quốc gia trồng cà phê như Brazil, Indonesia, Colombia, Ethiopia ở các cấp độ thứ trưởng về ngành nông nghiệp, ngành cà phê, doanh nghiệp trồng, chế biến, sản xuất,… liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cà phê.

Tình hình chung của các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới hiện nay, chủ yếu xuất khẩu cà phê hạt, giá bán thường thấp hơn so các nước. Do vậy, tiếng nói của ngành cà phê hiện nay đều nằm trong tay của các tập đoàn rang xay hùng mạnh thế giới. Theo ông Lương Văn Tự, tại 2 thị trường lớn là New York và London, cà phê VN bán chủ yếu ở London theo dạng trừ lùi vài chục đến 100 USD/tấn. 26 nhà mua cà phê lớn nhất thế giới có mặt tại VN, nhưng có đến 146 doanh nghiệp tranh nhau bán nên luôn bị ép giá. Hiện nay, hai công ty rang cà phê lớn nhất thế giới là Nestlé (Thụy Sỹ) và Kraft Foods (Mỹ) cùng với các công ty lớn của châu Âu như Jacobs Kaffee, Gevalia (Thụy Điển), Grand Mere và Carte Noire (Pháp) và các công ty quốc tế hoạt động dưới nhãn hiệu Kraft, kiểm soát khoảng 60% thị trường cà phê hòa tan và cà phê rang toàn cầu. Trong đó, 5 công ty lớn nhất chiếm khoảng 87% thị phần, các công ty quốc gia hoặc các công ty hoạt động trong các thị trường ngách chiếm lĩnh phần còn lại.

Hiện nay tổng công suất chế biến cà phê hòa tan trong nước mới ở mức 10.000 tấn/năm (5 - 6 tấn cà phê hạt = 1 tấn cà phê hòa tan) với các thương hiệu hàng đầu như Vinacafe, Trung Nguyên… Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cà phê, xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê, chế biến cà phê… là cách để nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam. Con đường đi sẽ rất nhiều khó khăn, dù còn khá xa, nhưng cần đặt ra mục tiêu để thực hiện

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục