(SGGPO).- Sáng 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, qua thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng luật này như Tờ trình của Chính phủ.
“Vấn đề nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị - pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi nước ta đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế. Luật phải thể hiện rõ và đầy đủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành”, ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.
Với mục tiêu được xác định như vậy, Thường trực Ủy ban cho rằng cần bổ sung một nguyên tắc quan trọng khi xây dựng luật là: “Giữ vững chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”.
Trong số những vấn đề cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện kèm theo để được cấp thị thực thuộc nhóm dễ phát sinh những vấn đề phức tạp như du lịch, lao động, những người được cấp thị thực ký hiệu D theo Pháp lệnh hiện hành (có thể thông qua việc chứng minh về tài chính, vé máy bay khứ hồi)…
Bác bỏ những e ngại điều kiện chặt chẽ hơn có thể làm ảnh hưởng đến ngành du lịch, ông Khoa cho biết, Singapore áp dụng điều kiện khách du lịch cá nhân phải có ít nhất 500 USD, gia đình phải có ít nhất 2.000 USD. Tương tự Thái Lan quy định lần lượt là 10.000 và 20.000 bath, có vé khứ hồi trong phạm vi thời hạn thị thực còn giá trị. Mặc dù quy định như vậy, nhưng lượng khách du lịch đến các quốc gia này đều lên đến hàng chục triệu lượt.
Đáng lưu ý, về việc cư trú của của người nước ngoài - một vấn đề thực tế đang có nhiều hạn chế, bất cập - Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, xem xét các quy định có liên quan trong Nghị định 21/2001/NĐ-CP đã và đang được thực hiện ổn định, có hiệu quả để đưa vào dự luật như các quy định về đăng ký, khai báo tạm trú, thường trú; cấp thẻ tạm trú, cấp thẻ thường trú...; điều kiện đi lại, tạm trú, thường trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới, khu công nghiệp, khu chế xuất; các hoạt động của tổ chức NGO; việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài trong trường hợp cần thiết để xử lý những công việc khẩn cấp; quản lý người nước ngoài bị trục xuất trong thời gian chờ giải quyết thủ tục trục xuất…, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Liên quan đến quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung trách nhiệm của một số bộ có liên quan nhiều đến lĩnh vực này như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của cơ quan xuất nhập cảnh; công bố công khai, minh bạch địa chỉ, quy chế làm việc của cơ quan xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho người nước ngoài khi có nhu cầu tiếp xúc, làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam, đồng thời giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng được thuận lợi.
Bên cạnh đó, mặc dù dự luật đã quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện và cấp xã trong lĩnh vực này, nhưng “còn chung chung, khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả” - bản báo cáo thẩm tra nêu rõ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cần quy định cụ thể hơn, đặc biệt là về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp xã - nơi trực tiếp quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại địa phương.
| |
ANH PHƯƠNG