(SGGP).– “Trước đây, vấn đề đạo đức báo chí người ta nhắc đến ít thôi, nhưng 3 năm gần đây thì trở thành vấn đề nóng bỏng, dư luận rất quan tâm. Hiện tượng mà ai cũng thấy là ngày càng nhiều báo điện tử bất chấp hậu quả, đưa tin bài “giật gân” kiểu “câu view”, “câu like” đến mức có báo ví von những người đưa các thông tin này như loài chim “kền kền”” - Nhà báo Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng), nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM, chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố” vào ngày 9-1 do Hội Nhà báo Việt Nam tại TPHCM, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp tổ chức, cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Mục đích của cuộc tọa đàm là nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo trong việc chuyển tải ý kiến của công dân đến cơ quan nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn, thời gian qua có một số ít phóng viên, nhà báo lợi dụng quyền hành, trọng trách của mình đã gây sức ép với những người có chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cho cá nhân, hoặc biểu hiện nhỏ hơn là đặt điều kiện với người gửi đơn thư phải “cảm ơn” thì mới xử lý thông tin, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cái nhìn của xã hội về chức năng đấu tranh chống tiêu cực của báo chí.
Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM Đào Văn Lừng, cho rằng, đang xuất hiện ngày càng nhiều “nhà báo nghe 1 tai”, mà có tờ báo đã ví là “báo chí kền kền”. Những con “kền kền” như vậy đang đặt ra vấn đề lớn đối với đạo đức báo chí. Do vậy, những người làm nghề báo chân chính phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội. Bởi chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội phải bỏ ra gấp trăm ngàn lần công sức để khắc phục hậu quả. Người làm báo phải biết trân trọng, giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong việc khai thác, xử lý và đăng tải thông tin.
HỒNG HIỆP