(SGGPO).- Đó là một trong những nội dung được ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nhấn mạnh khi phát biểu ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin trong khuôn khổ phiên họp Quốc hội chiều 24-3.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy góp ý tại phiên họp chiều 24-3. Ảnh: Lã Anh
Theo ĐB Thúy, dự thảo Luật mới chỉ quy định việc bồi thường trách nhiệm khi cố ý cung cấp thông tin sai, gây thiệt hại cho người tiếp nhận thông tin là chưa đủ; cần quy định cụ thể hơn theo hướng mở rộng các trường hợp phải bồi thường; góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ thể cung cấp thông tin. Tương tự, Luật nêu yêu cầu chú trọng quyền được cung cấp thông tin của người yếu thế (người dân vùng sâu, vùng xa; người khuyết tật…) là rất đúng, rất nhân văn, nhưng chỉ nói giao chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi thì khó có thể đảm bảo Luật được thực thi trên thực tế. Bên cạnh đó, quy định yêu cầu người cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do, mục đích sử dụng thông tin được ĐB Trần Thị Diệu Thúy coi là không cần thiết.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) góp ý tại phiên họp chiều 24-3. Ảnh: Lã Anh
Quan điểm cởi mở hơn trong cung cấp thông tin được nhiều ĐBQH tán thành. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nói: “Thông tin cần công khai tối đa, bí mật là ngoại lệ. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thông tin không phải bí mật kinh doanh để giúp cộng đồng phát triển.
Đồng tình quy định như dự thảo Luật, theo đó cơ quan Nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin (không mở rộng đến tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước), song ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, chỉ quy định cung cấp thông tin “tạo ra” mà không bao gồm cả thông tin “nắm giữ” là quá hạn hẹp và mâu thuẫn với nhiều điều khoản trong chính luật này, như những thông tin mà UBND xã cung cấp hầu hết là thông tin “nắm giữ”.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) góp ý tại phiên họp chiều 24-3. Ảnh: Lã Anh
Có cùng quan điểm với ĐB Đinh Xuân Thảo, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nói thêm, trình tự thủ tục cung cấp thông tin cần đơn giản hơn nữa, trong một số trường hợp thông tin đơn giản thì chỉ cần phiếu đề nghị cung cấp thông tin là đủ. Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đồng tình: “Thông tin đơn giản đề nghị cho phép cung cấp trực tiếp qua điện thoại”.
Nhấn mạnh việc cung cấp thông tin đem lại lợi ích cho cả hai phía: người tiếp nhận thông tin và Nhà nước (định hướng, hướng dẫn, cảnh báo cho xã hội), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị dự thảo thể hiện rõ thêm nhiều vấn đề. “Người dân bị từ chối cung cấp thông tin không đúng luật, thông tin được cung cấp không chính xác thì khởi kiện ở đâu? Ai giải quyết? Không chỉ công dân Việt Nam mà cả người nước ngoài, thậm chí người không có quốc tịch cũng có nhu cầu được cung cấp thông tin thì xử lý ra sao” – ông Trương Trọng Nghĩa nêu một loạt vấn đề.
ANH PHƯƠNG