Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra, do: các đô thị ở Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều nguồn thải cực lớn từ hoạt động sản xuất công nghiệp; giao thông; công trình xây dựng; nhà hàng; cảng biển; nhà ga và các nguồn thải từ hộ gia đình...
Theo GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện TN-MT, không khí bị ô nhiễm là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất ở các khu vực đô thị. Thực hiện nghiên cứu xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ô nhiễm không khí phục vụ dự báo và kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua hoạt động rà soát, khoanh vùng, tính toán xả thải đối với các nguồn thải là giải pháp quan trọng trong việc thống kê các nguồn có mức phát thải cao. Tính toán cụ thể từng nguồn thải sẽ cho ta biết được mức độ xả bao nhiêu, các nồng độ chất gây ô nhiễm tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, mức nào thì gây hại đến sức khỏe cho mọi người. Qua đó sẽ có những cảnh báo cụ thể để mọi người phòng tránh. Mỗi địa phương cần phải có một kế hoạch riêng, cụ thể về phát thải để triển khai.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, bộ đã có văn bản hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Theo đó, với nhóm giải pháp quản lý, Bộ TN-MT yêu cầu các địa phương cần thực hiện triển khai quy hoạch đô thị, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng để giảm nhu cầu đi lại trong mạng lưới giao thông đô thị, đồng thời để lựa chọn địa điểm phù hợp cho các khu công nghiệp mới; tăng cường và giám sát việc tuân thủ thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp; thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư...
Đối với nhóm giải pháp kỹ thuật, yêu cầu các địa phương thực hiện việc kiểm soát nguồn thải, tính toán cụ thể mức độ xả thải ở từng nguồn thải. Đồng thời, đẩy mạnh lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí thải tự động; lắp đặt và vận hành các công trình, thiết bị xử lý khí thải.