Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Việc bảo vệ môi trường không thể chậm trễ hơn được nữa, mà cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, như tăng cường các biện pháp chế tài, siết chặt việc nhập rác thải, quản lý chặt chẽ việc xả thải ra môi trường, khuyến khích các giải pháp sản xuất và sinh hoạt thân thiện với môi trường.
Thanh niên TPHCM tham gia dọn vệ sinh trên rạch Cây Me, quận 7 trong Ngày Chủ nhật xanh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thanh niên TPHCM tham gia dọn vệ sinh trên rạch Cây Me, quận 7 trong Ngày Chủ nhật xanh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, các địa phương thường tổ chức nhiều hoạt động bề nổi, như huy động cán bộ công chức các ban ngành, đoàn thể ra quân trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, phát quang các khu vực ô nhiễm; hoặc tuần hành, đi bộ vì môi trường. Thế nhưng, các hoạt động trống giong cờ mở này chưa thực sự tác động đến từng cộng đồng dân cư và từng cá nhân. Rất cần có những cách thức thực hiện phù hợp hơn. 

Các hoạt động vì môi trường nên lấy người dân làm trọng tâm, chứ không nên tổ chức hình thức, có tính bề nổi. Xét cho cùng, người dân là đối tượng thụ hưởng, chịu tác động của tình trạng môi trường, cũng như là chủ thể thực hiện thường xuyên các giải pháp bảo vệ môi trường, nên cần thu hút được rộng rãi người dân tham gia. Cần có nhiều biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

Với người dân ở các cộng đồng dân cư, điều họ quan tâm nhất chính là điều kiện sống, điều kiện môi trường cụ thể, như vậy yếu tố nào tác động đến môi trường sống của họ nhiều nhất sẽ được họ quan tâm hơn. Ở một khu dân cư đang có tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải của các nhà máy, thì phải lắng nghe phản ứng của người dân và tích cực tìm biện pháp tháo gỡ; khi đó, các biện pháp tuyên truyền về giữ gìn không khí trong lành mới được mọi người lắng nghe và thực hiện. Ở một khu dân cư có mùi hôi từ bãi rác, từ cống xả thải, thì phải tìm cách khắc phục triệt để, từ đó tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của người dân, để họ hạn chế bỏ rác bừa bãi ra môi trường, hạn chế làm nghẹt cống.

Các hoạt động vì môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Hạn chế lớn nhất của các hoạt động bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay là nặng về phong trào, ít đi vào chiều sâu và không có tính bền vững. Các hoạt động vì môi trường ở từng lúc có những chủ điểm khác nhau. Chẳng hạn, vào mùa mưa nên chú ý nhiều đến việc khơi thông dòng chảy, nạo vét cống rãnh, trồng cây xanh; mùa nắng thì chú ý khắc phục mùi hôi và hạn chế đốt rác bừa bãi.

Nên chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên, vì việc vận động bảo vệ môi trường phải tập trung vào những người trẻ tuổi, để có thể hình thành được thói quen tốt, từ đó phát triển thành nhận thức, hành vi, nề nếp. Phải tác động làm sao cho những người trẻ tích cực hơn với việc bảo vệ môi trường và có phản ứng mạnh hơn khi thấy hành vi gây ô nhiễm. Nếu chỉ quan tâm dạy những điều lớn lao, cao xa, mà bỏ qua ý thức và cách thức bảo vệ môi trường sống hiện tại, thì các thế hệ tương lai có thể sẽ chết dần chết mòn với một môi trường sống bẩn chật, ngột ngạt.

Việc bảo vệ môi trường không thể chậm trễ hơn được nữa, mà cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, như tăng cường các biện pháp chế tài, siết chặt việc nhập rác thải, quản lý chặt chẽ việc xả thải ra môi trường, khuyến khích các giải pháp sản xuất và sinh hoạt thân thiện với môi trường. Trên hết là nâng cao nhận thức của người dân, để họ có hành động tích cực trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Tin cùng chuyên mục