Khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(SGGPO).- Sáng nay 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 47.
Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nhìn chung chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều ý kiến của các địa phương đề nghị cần xem xét, nghiên cứu quy định chế độ tiền công lao động trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND mà những đại biểu này không thuộc đối tượng hưởng lương; điều chỉnh tăng mức hoạt động phí (tăng hệ số hoạt động phí so với mức lương cơ sở) đối với đại biểu HĐND; bổ sung quy định về chi hỗ trợ hoạt động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân… Vì thế, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của UBTVQH quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết có 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau về mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp.
Phương án 1 là giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết 753 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí là 1.461,4 tỷ đồng/năm.
Phương án 2 là tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định hiện tại. Dự kiến quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo phương án 1 là 1.932,6 tỷ đồng/năm, tăng thêm khoảng 471,2 tỷ đồng/năm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “có một thực trạng là cứ cán bộ yếu, hoặc cán bộ không bố trí được vào đâu thì đưa về HĐND”. Nhưng việc này không thể cải thiện được bằng cách nâng hệ số lương, phụ cấp một cách “nhỏ giọt” như hiện nay, mà phải cải thiện toàn bộ quá trình chuẩn bị nhân sự.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1, giữ nguyên mức phí hoạt động như hiện hành, sau này nếu phát sinh bất cập thì sẽ tiếp tục điều chỉnh. Sau khi được Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực, ban hành, Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.
ANH PHƯƠNG