Trong 2 ngày 15 và 16-8, Trường Múa TPHCM đã tổ chức tọa đàm trao đổi kiến thức giảng dạy cho bộ môn múa cổ điển châu Âu, múa tính cách nước ngoài đặc biệt là bộ môn múa dân gian dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Múa TPHCM.
Tham gia trao đổi tại tọa đàm có những giảng viên, nghệ sĩ múa tên tuổi, tâm huyết, đã mấy chục năm gắn bó với nghề như: NSND Đặng Hùng, NSND Kim Quy, NSND Công Nhạc, NGND Kim Dung, NSƯT Phi Yến, NSƯT Nguyệt Nga, NGƯT Tuyết Mai, NGƯT Bích Nghĩa, NSƯT Hà Thế Dũng… Thẳng thắn và cởi mở, lớp nghệ sĩ đi trước đã bày tỏ nhiều trăn trở, lo nghĩ và mong mỏi xoay quanh vấn đề giáo dục đào tạo nghệ sĩ múa trong những năm gần đây, về phương pháp sư phạm, giáo trình giảng dạy, xã hội hóa trong giáo dục đào tạo nghề múa.
Với phương pháp đào tạo hiện nay NGND Kim Dung nhận định: “Các giảng viên cần uyển chuyển hơn trong giáo trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên và trên hết phải giáo dục thật chắc chắn nền tảng cơ bản của bộ môn múa trước khi để cho các em bay bổng thăng hoa với các tác phẩm nghệ thuật”. NSND Đặng Hùng trăn trở: “Vấn đề đặt ra là học như thế nào cho chuẩn. Trước hết, nghệ thuật và sự sáng tạo phải phát triển dựa trên cái gốc cơ bản – đó chính là nền tảng văn hóa. Nghĩa là phải học và phải hiểu rõ về văn hóa từng vùng, miền, từng dân tộc… thì mới có thể giáo dục đúng hướng”.
Nối tiếp ý kiến trên, NSƯT Phi Yến mong mỏi: “Nhà trường nên liên hệ với các lễ hội dân gian để tìm, sưu tầm, bổ sung thêm những chất liệu múa dân gian dân tộc khu vực phía Nam, để làm phong phú cho giáo trình giảng dạy. Thực hiện công việc khá khó khăn này chính là lực lượng giảng viên trẻ, các bạn rất cần phải có những chuyến đi thực tế ở nhiều lễ hội để cảm nhận sâu sắc hơn cái hồn của điệu múa”…
Một số góp ý khác hy vọng việc đào tạo của Trường Múa TPHCM nên chú ý hơn về ý thức, kỹ năng, phong cách biểu diễn của học sinh, sinh viên, vấn đề huấn luyện và phát triển các em làm sao vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Các hệ trung cấp múa từ 2 năm đến 7 năm được thực hiện trong nhiều năm qua đã góp phần đào tạo một đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ, biên đạo có tài, góp sức thổi hồn cho hoạt động biểu diễn và phát triển nghệ thuật tại TPHCM cùng các tỉnh thành khu vực phía Nam. Năm nay 2011 là năm đầu tiên Trường Múa TPHCM đào tạo hệ cao đẳng, đây sẽ là một thách thức lớn với không ít khó khăn.
Những quan tâm, trăn trở của các nghệ sĩ đàn anh đàn chị trong nghề múa đã cho thấy một thực trạng cần kíp phải được Trường Múa TPHCM chỉnh sửa, bổ sung và thay đổi để phát huy hơn nữa chất lượng đào tạo và giảng dạy của bộ môn múa – một bộ môn nghệ thuật dễ tiếp cận với công chúng, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của xã hội hôm nay và mai sau.
Thúy Bình