Từ nhiều năm qua, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, nhưng ngành sư phạm vẫn trong tình cảnh bi đát: Cử nhân ra trường khó kiếm việc làm, chất lượng đầu vào giảm sút, người thầy trong cơ chế thị trường không còn được coi trọng… Trước thực trạng đáng báo động này, nhà nước, các cấp quản lý và toàn xã hội cần có những giải pháp thiết thực nhằm chung tay vực dậy “cỗ máy cái” tạo ra vốn quý nhất là con người đủ sức thực hiện các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Việc làm = thế + tiền?
Tốt nghiệp năm 2010 với tấm bằng loại khá ngành sư phạm văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tân cử nhân Tr.Th. Ng. trở về quê ở Hải Dương để xin việc. Sau nhiều lần vất vả nộp hồ sơ, rồi chờ đợi nhưng Ng. vẫn không cách nào xin được việc. Cực chẳng đã, Ng. lại khăn gói vào TPHCM đi làm thêm để tiếp tục học lên cao học với hy vọng sau khi “thành tài” sẽ thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng của mình.
T.H., cử nhân sư phạm K31, tốt nghiệp khoa lịch sử năm 2009 nhưng vì không xin được làm giáo viên (GV) nên đã phải học thêm 3 tháng nghiệp vụ văn phòng để xin việc khác. Hiện T.H. cũng đang làm nhân viên văn phòng của một công ty tại Bạc Liêu. T.H. cho biết: “Khi có giấy báo trúng tuyển, kèm theo giấy báo trúng tuyển là bản cam kết cống hiến, phục vụ ngành giáo dục. Với bản cam kết này cứ tưởng sau khi ra trường sẽ chắc chắn có việc làm nhưng 5 lần 7 lượt đi xin việc đều bị từ chối, trong khi đó theo “bật mí” của người bạn cùng khóa để có việc làm phải có tiền thì mới giải quyết được vấn đề”.
Tương tự là trường hợp của bạn Ng. V. H., sinh viên K31, khoa Giáo dục thể chất, tốt nghiệp 3 năm qua nhưng không thể nào xin được một chỗ dạy. Quá chán nản, H. từ bỏ ước mơ trở thành GV dạy thể dục và đành làm công việc chở nước thuê cho một công ty nước khoáng.
Hiện nay một số trường đại học dân lập như Trường Đại học dân lập quốc tế Hồng Bàng cũng mở một số ngành như Giáo dục thể chất. Sau khi sinh viên ra trường học thêm chứng chỉ sư phạm là có thể xin đi dạy. Thế nhưng hàng trăm sinh viên ra trường cũng không dễ dàng kiếm được việc làm, hầu hết các em phải đi làm trái với ngành đào tạo.
Hiệu trưởng của một trường THPT tại TPHCM nhìn nhận: Thu nhập của GV hiện nay rất thấp, GV mới ra trường chỉ ở mức từ 1,5 đến dưới 2 triệu đồng/tháng không đủ sống. Lương GV được trả theo thâm niên, còn yếu tố năng lực, hiệu quả công tác chưa hề được tính đến. GV buộc phải dạy thêm, làm thêm để tăng thu nhập.
Lương thấp, song môi trường của ngành giáo dục vẫn còn không ít những bất cập. Bất cập trong chất lượng đào tạo lẫn cơ chế tuyển dụng khiến cho ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn, đang trở lại thời kỳ “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Đã vậy nhiều cử nhân thừa nhận: tốt nghiệp ra trường phải có thế hoặc tiền thì mới mong có được việc làm.
Chất lượng đầu vào tụt dốc
Thực tế tuyển sinh năm 2011 cho thấy điểm chuẩn vào nhiều ngành ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Huế, Sư phạm Vinh… thấp hơn so với mọi năm, thậm chí nhiều ngành chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Đây là một vấn đề đáng báo động đối với chất lượng giáo dục. Thầy cô giáo không giỏi, chất lượng giáo dục sẽ không thể cao. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải biết tự học, tự đào tạo cao hơn vì thời gian lên lớp của giảng viên ít hơn đào tạo theo niên chế. Tổ chức đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi những điều kiện vật chất đi kèm như giáo trình, tài liệu tham khảo, thư viện, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học… hiện đại hơn và đầy đủ hơn mà điều này thì Trường ĐH Sư phạm TPHCM và nhiều trường ĐH khác ở Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tổ chức đào tạo theo tín chỉ nên cũng gây khó khăn cho sinh viên.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng phân tích: Thu nhập thấp cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ nghề của không ít GV hiện nay. Thậm chí, việc dạy thêm học thêm, ngoài những nguyên nhân khác cũng còn có cả nguyên nhân thu nhập thấp của đội ngũ GV. Đây là vấn đề khó giải quyết bởi nó không nằm trong khả năng giải quyết của ngành giáo dục mà là của nhà nước. Việc nhà nước đầu tư cho giáo dục, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục, người học chi trả một phần học phí… là góp phần phát triển giáo dục.
PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng: Chất lượng đào tạo GV tùy thuộc vào các điều kiện (chương trình và phương pháp đào tạo, đội ngũ giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất và tài chính phục vụ đào tạo...), cho nên chúng ta cần phải đảm bảo ngày càng tốt các điều kiện này.
Thực tế tại TPHCM, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cũng cho biết: những năm gần đây TP luôn thiếu GV do các trường sư phạm trên địa bàn TP đào tạo theo xu hướng đa ngành, chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm nên nguồn tuyển GV các trường cũng giảm. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn rất nhiều sinh viên thất nghiệp. Thực tế này cho thấy, việc đào tạo hiện nay không theo nhu cầu xã hội, thiếu dự báo về nhu cầu nhân lực cụ thể cho ngành khiến các trường sư phạm nằm trong vòng luẩn quẩn: đào tạo ra không tìm được việc làm, làm nản lòng người học. Trong khi đó, nhiều trường vẫn kêu thiếu GV.
| |
Lê Linh - Hồng Phi