Nâng chất nguồn nhân lực

Những ngày này, nhiều người ngỡ ngàng khi đi qua một khu cao ốc đang xây dựng trên đường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM: các nhân viên giao dịch nhà đất tràn xuống lòng đường phát tờ rơi chào mời, giới thiệu người dân vào xem, mua căn hộ. Hình ảnh sang trọng, huy hoàng một thời của giới kinh doanh địa ốc giờ đây đang được thay thế bằng hình ảnh trái ngược, chẳng mấy khác cảnh diễn ra trước những hàng quán nơi các bến xe hay khu chợ nào đó.

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước chưa thoát khỏi “vòng xoáy” khó khăn, đáng buồn là nghịch cảnh ấy lại đang gia tăng ở nhiều ngành nghề. Sự khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đầu vào cho đến đầu ra đã buộc nhiều doanh nghiệp phải “tái cơ cấu” về mọi mặt: giảm quy mô sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhằm giảm tối đa chi phí.

Thực trạng đó đã và đang làm cho thị trường lao động tiếp tục trở nên xáo trộn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở nhiều ngành nghề, từ “bình dân” cho đến “sang trọng”. Không ít chủ doanh nghiệp lớn cho biết đã phải cắt giảm cả vị trí CEO, vì mức lương trả cho vị trí này rất lớn, từ 5.000 – 10.000 USD.

Thay vào đó, chủ doanh nghiệp kiêm luôn việc điều hành doanh nghiệp. Để duy trì hiệu quả hoạt động, họ chọn một số nhân viên có năng lực, kinh nghiệm nhất rồi tăng thêm một khoản lương để những nhân viên này choàng gánh phần việc của các vị trí đã cắt giảm. Trong bối cảnh hiện nay, cách làm này là phù hợp để tiết kiệm chi phí.

Trong lúc đó, theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM, từ đầu năm đến nay, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở TPHCM tăng lên gần 100.000 người. Có tháng số người đăng ký thất nghiệp lên đến hơn 17.000 người. Lại có một nghịch lý: lao động thất nghiệp tăng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng đủ lao động vào những vị trí cần thiết.

Sự bất cập giữa chất và lượng, giữa cung và cầu lao động là vấn đề không mới ở nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay lại đang bộc lộ rõ rệt và đặt ra nhiều vấn đề.

Đáng chú ý, ở ngay một số nhóm ngành nghề được coi là “nóng” như quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, marketing, điện, cơ khí, công nghệ thông tin, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nhu cầu việc làm cao nhưng nhiều người không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tại TPHCM thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ người lao động, đặc biệt là giới công nhân lao động nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn bằng các biện pháp như hỗ trợ định mức điện, nước; vận động các chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng trọ. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng bộ và chính quyền TP đến đối tượng người lao động nghèo. Tuy vậy, có thể thấy đây cũng chỉ là những biện pháp mang tính tình thế trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Về lâu dài, để thị trường lao động ổn định, ngày càng tạo thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao đời sống người lao động, đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết, phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường. Về mặt này, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã và đang đưa ra nhiều giải pháp.

Tất nhiên, kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu cũng như năng lực điều hành của Chính phủ; sự nỗ lực của từng cấp ngành, cơ quan chức năng, địa phương và bản thân mỗi doanh nghiệp.

Riêng trong phạm vi lao động - việc làm, từ thực trạng nghịch lý cung cầu lao động ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, rõ ràng, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành ngay việc cải cách triệt để, toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nền kinh tế có thể có lúc thăng lúc trầm, điều đó các chính phủ khó có thể chủ động vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính khách quan và diễn ra theo quy luật.

Thế nhưng, nếu chúng ta có chiến lược tốt, có đủ năng lực và sự nhạy bén để luôn kịp thời đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đa dạng và ưu việt thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người lao động cũng sẽ tìm được cơ hội việc làm tốt nhất cho bản thân, từ đó có những đóng góp tốt nhất cho cộng đồng và đất nước.

PHẠM  PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục