Những ngày qua, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và HĐND TP đến các huyện tìm hiểu quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, góp ý về việc nâng chất các tiêu chí giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu là nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần của người dân nông thôn.
Tiến trình, không phải danh hiệu
TPHCM xây dựng NTM ở 5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, với 56 xã. Hiện 53 xã đã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí; xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) đang được thành phố thẩm định lại về tiêu chí thu nhập; 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) còn tiêu chí về văn hóa và môi trường. Nếu theo quy định, 75% số xã đạt chuẩn về NTM thì huyện Cần Giờ và Bình Chánh được xem là đạt chuẩn NTM, nhưng lãnh đạo TPHCM cho rằng, còn 1 - 2 xã chưa đạt vẫn là chưa toàn diện nên phải tiếp tục hoàn chỉnh trước khi được công nhận. Điều đó cho thấy, việc xây dựng NTM ở TPHCM đi vào thực chất, chủ yếu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, không phải cốt để đạt danh hiệu NTM.
Trồng lan xây dựng nông thôn mới tại huyện Củ Chi. Ảnh: Cao Minh
Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đều nhắc mỗi khi làm việc với các huyện, mục tiêu cuối cùng là để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngoại thành, sao cho khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng thu hẹp. Vì vậy, mặc dù nhiều tiêu chí TPHCM đưa ra cao hơn tiêu chí chung cả nước như về thu nhập, hộ nghèo… nhưng 19 tiêu chí mà các huyện đạt được cũng mới ở mức cơ bản. Nói như đại biểu Trần Du Lịch, nếu nhìn hôm qua và hôm nay thì vùng nông thôn thay đổi rõ, nhưng cũng phải xem xét với vùng nội thành để so sánh về mức chênh lệch ra sao, được thu hẹp hay nới ra.
Mô hình trồng rau sạch ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh Thanh Vũ
Vấn đề đặt ra hiện nay cho thành phố và các huyện là phải nâng chất NTM giai đoạn 2016-2020, sao cho các tiêu chí đạt cao hơn, đều hơn. Ví dụ như chỉ tiêu về nước sạch ở huyện Bình Chánh, vẫn còn 49% hộ sử dụng nước giếng đã qua xử lý; tỷ lệ bảo hiểm y tế, dù các huyện đạt hơn 75% mức cả nước, nhưng phải nâng cao hơn tỷ lệ này. Ngay cả tiêu chí về môi trường, tỷ lệ người dân ký hợp đồng thu gom rác rất cao, 98% - 99%, nhưng vì sao vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khi tính theo mét vuông/học sinh, sĩ số 35 em/lớp… không phải dễ dàng đạt được với những trường xây dựng trước đó. Như vậy, chưa thể cảm thấy hài lòng về những gì đã làm được. Vì xét cho cùng, xây dựng NTM không phải để đạt được danh hiệu rồi xong mà đây là quá trình phấn đấu liên tục. 5 năm qua mới là chặng đường đầu tiên trong quá trình xây dựng lâu dài để hoàn chỉnh mỗi tiêu chí ở mức cao nhất có thể và để rút ngắn khoảng cảnh giữa nội và ngoại thành.
Nông dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, truy cập Internet nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt. Ảnh Phương Vy
Lâu nay vẫn có dư luận cho rằng, xây dựng NTM chủ yếu là từ vốn của nhà nước, thực tế cho thấy, dù tỷ lệ khác nhau nhưng ngân sách của thành phố hay Trung ương đều chiếm tỷ lệ thấp hơn vốn từ xã hội, bao gồm người dân, doanh nghiệp, tín dụng. Vốn ngân sách xây dựng NTM huyện Bình Chánh hơn 24% tổng vốn đầu tư, Hóc Môn chiếm 12%, đặc biệt ở huyện Củ Chi chỉ có 9%; còn lại là vốn xã hội hóa. Điều này nói lên sự hưởng ứng của cả xã hội. Nhà nước chỉ đóng vai trò vốn mồi để kích thích và huy động nguồn lực xã hội thông qua các chủ trương và chính sách.
Ly nông, bất ly hương
TPHCM sắp ban hành các tiêu chí mới trong tiến trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, như vậy nhiều tiêu chí dù đạt được hiện nay nhưng các huyện sẽ phải tiếp tục thực hiện, như thu nhập nâng lên 60 - 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cũng sẽ tăng lên khi chuẩn nghèo không chỉ được nâng thêm mà còn dựa trên nhiều tiêu chí khác ngoài thu nhập như khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế, đào tạo… Vấn đề môi trường nông thôn trở nên quan trọng khi rác thải, dù tỷ lệ ký hợp đồng thu gom rác thải nhà dân ở các huyện đạt cao như Hóc Môn, Bình Chánh trên 99%, nhưng tình trạng vất rác trên đường, kênh rạch vẫn là điều phải được tiếp tục khắc phục.
Thế nhưng, bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao thu nhập người dân khi mà những cố gắng thời gian qua gần như đã đạt ngưỡng, đó là lo lắng của Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Trần Hòa An. Theo như ý kiến của nhiều đại biểu, việc sản xuất phải được tổ chức lại mới có thể nâng cao thu nhập người dân. Tiến tới việc xây dựng theo chuỗi giá trị, hạn chế việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thông qua việc liên kết, hợp tác giữa nông dân với nông dân hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã… hay giữa nông dân với doanh nghiệp là điều kiện để đưa các tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào sản xuất. Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiến tới việc xây dựng thương hiệu. Nhưng để làm điều này, phải quản lý cho được đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, bên cạnh sự tự vượt lên của mỗi huyện, đòi hỏi phải có chủ trương và chính sách của thành phố từng giai đoạn, tạo động lực phát triển sản xuất. Điều quan trọng là làm sao thu hút được nhà đầu tư về nông thôn nhiều hơn. Phát triển hạ tầng kỹ thuật như giao thông nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất. Hóc Môn, Nhà Bè… khó có thể phát triển mạnh nếu giao thông không được kết nối với các địa phương hay tỉnh khác.
Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung đầu tư để nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ trong quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp. Khi đó, người dân ngoại thành dù ly nông nhưng không ly hương…
CÔNG PHIÊN