Sau khi khởi đăng loạt bài “Tin ở người trẻ”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết xung quanh công tác đào tạo, giữ chân cán bộ trẻ. Làm sao để thu hút và giữ chân được cán bộ trẻ, giỏi về công tác tại cơ sở? Làm sao để người trẻ, khi đã lựa chọn lý tưởng phục vụ bộ máy công quyền sẽ phát huy được hết khả năng và hoàn thành nhiệm vụ được giao? Làm sao để xây dựng một đội ngũ cán bộ trẻ thật sự tâm huyết?
Chỉ nhiệt huyết thôi chưa đủ
Với trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, nếu chấp nhận làm việc tại công ty nước ngoài, chắc chắn việc kiếm mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng không phải là điều quá khó đối với chị Cao Thị Thanh Nhàn (34 tuổi, Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh An huyện Củ Chi). Tuy nhiên, chọn về làm việc tại cơ quan nhà nước ở cấp cơ sở, mỗi tháng chị Thanh Nhàn nhận lương khoảng 2 triệu đồng. “Chúng tôi chọn con đường về địa phương làm việc là vì lòng nhiệt huyết. Thế nhưng, chỉ nhiệt huyết không chưa đủ. Cán bộ trẻ chúng tôi rất cần sự thông cảm, động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện để hoàn thành công việc”, chị Nhàn chia sẻ. Về nhận công tác tại địa phương, điều khó khăn mà không ít cán bộ trẻ gặp phải là sự bất hợp tác “ngầm” từ những đồng sự lớn tuổi. Với nếp nghĩ cũ, cho rằng người trẻ còn non kinh nghiệm nên nhiều người cảm thấy khó thực hiện theo sự chỉ đạo, phân công, phân nhiệm của lãnh đạo trẻ.
Chị Nhàn nói tiếp: “Khi về địa phương làm việc, chúng tôi bị ấn vào ê kíp và vận hành theo một guồng máy có sẵn, rất khó để thay đổi. Cái khó nữa là phải giải quyết công việc khéo léo, làm sao vừa đúng luật vừa được lòng người dân và các cô chú, anh chị trong cơ quan. Đây là một đặc trưng khá đặc biệt của một xã vùng sâu vùng xa, nơi mà xưa nay mọi người thường hành xử với nhau theo kiểu “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Nhiều người chưa hiểu được chủ trương, chính sách của Nhà nước mà làm theo cảm tính lâu nay. Chưa kể đôi lúc trong cơ quan, người này không chịu ý kiến của người kia. Gặp lúc như vậy, chúng tôi phải là hạt nhân đoàn kết giữa các nhóm với nhau, làm sao để mọi người cùng đạt mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ”.
“Thật sự, khi ủng hộ một người trẻ lên làm lãnh đạo ở địa phương, chúng tôi cũng lo. Lo vì nếu các cháu không làm được việc, người bị trách là chúng tôi, là lớp đảng viên đi trước vì đã không lựa chọn, bồi dưỡng được đội ngũ kế thừa xứng đáng. Lớp trẻ bây giờ, so với thế hệ của chúng tôi, được đào tạo bài bản hơn, được tiếp cận với tri thức, lại có sức trẻ, dám nghĩ, dám làm. Để lớp trẻ phát huy được khả năng, lớp người đi trước rất cần nâng đỡ, động viên các em, các cháu bằng một cái nhìn bao dung. Người trẻ năng động, sáng tạo nhưng sẽ không tránh khỏi va vấp. Đừng khắt khe đòi hỏi bất cứ những gì họ làm đều phải thành công ngay từ đầu”, ông Lê Thành Hơn, đảng viên khu phố 1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông Hơn, cũng cần tránh cách hành xử theo kiểu thấy người trẻ làm cái gì cũng khen, cũng vỗ tay mà không giúp họ bổ sung, hoàn thiện. Người trẻ có kiến thức là cần thiết nhưng phải biết học từ thực tế, học từ những người đi trước có tấm lòng thật sự với địa phương.
Cần được trân trọng và thừa nhận
Để phát huy đội ngũ cán bộ trẻ, điều đầu tiên là phải hiểu, trân trọng và có niềm tin vào cán bộ trẻ. Cán bộ “già” không nên lấy tuổi tác, kinh nghiệm và cái nhìn chủ quan của mình để đánh giá mà cần phải thấy được khả năng, tiềm lực phát triển, tiến bộ của các bạn trẻ - vốn giỏi về trình độ, được đào tạo cơ bản. Đồng chí Nguyễn Hoàng Năng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Tân Phú, cho biết: “Cần xem xét, đánh giá triển vọng, sự nỗ lực vươn lên của từng cán bộ trẻ, từ đó có sự phân công cụ thể để phát huy năng lực cũng như mạnh dạn giao cho cán bộ trẻ quyền hành xử. Chúng ta không thể đòi hỏi các bạn lúc nào cũng phải thể hiện sự đạo mạo, chững chạc. Chẳng hạn như gặp bạn bè trong đám tiệc, các bạn có thể uống vài ly bia, chỉ cần các bạn không sinh hoạt quá đà, buông thả là được”.
Đồng chí Tất Thành Cang, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2, chia sẻ: “Chuyên môn không chưa đủ, để đạt đến độ chín, cán bộ trẻ phải qua thử thách ở cơ sở, phải được giao việc, luân chuyển, bố trí công tác phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, cán bộ trẻ mới trưởng thành. Tại quận 2, chúng tôi bố trí cán bộ phải bám sát thực tiễn. Chẳng hạn như thời gian qua có một số cán bộ đã làm lãnh đạo tại cơ sở 2 nhiệm kỳ, chúng tôi quyết định luân chuyển để nhường vị trí đó cho cán bộ trẻ có môi trường thử thách và phát huy. Nhờ vậy, chúng tôi đã tính toán được một đội ngũ dự bị cho các chức danh chủ chốt cấp quận sau này, cụ thể là chuẩn bị những ứng viên cho ban thường vụ và thường trực quận ủy ở độ tuổi dưới 35. Trong năm nay, quận đã có được 2 đồng chí thường vụ quận ủy dưới 35 tuổi”.
Để giữ chân cán bộ trẻ, chế độ đãi ngộ tương xứng là việc cần thiết. Đồng chí Nguyễn Hoàng Năng nói: “Theo tôi, nếu đòi hỏi được đãi ngộ thì không biết bao nhiêu là đủ. Do vậy, cần cho các bạn hiểu sự ưu đãi của Nhà nước dành cho các bạn nhiều hơn ở phía trước chứ không phải ở hiện tại. Làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài, mức lương thực tại có thể cao hơn cơ quan Nhà nước 5-7 lần, nhưng nếu các bạn không hoàn thành công việc sẽ bị đào thải. Ngược lại, làm việc ở cơ quan Nhà nước, các bạn luôn nhận được sự vun đắp, đào tạo, bồi dưỡng để trưởng thành và vươn lên trong công việc”.
“Lựa chọn trở về công tác tại địa phương đã thể hiện sự tâm huyết của các bạn. Chúng ta đừng nghĩ rằng các bạn đòi hỏi quá nhiều về lợi ích vật chất, điều các bạn cần là sự thừa nhận và đánh giá đúng năng lực. Một khi được như vậy, các bạn có thể nỗ lực miệt mài, hy sinh hết mình cho công việc”, đồng chí Nguyễn Hoàng Năng đúc kết.
Nhóm PV
Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay (SGGP).- Ngày 26-11, Quận ủy quận 2 tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thời gian qua, quận đã lập sổ đăng ký những việc làm theo gương Bác của cán bộ và nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng 425 tập thể, cá nhân xuất sắc như cán bộ không nhận hối lộ, không nhận quà cáp từ 5-10 triệu đồng, nhận được của rơi giao nộp cơ quan chức năng trị giá gần 1 tỷ đồng… Qua 4 năm, tại quận 11 cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu của các tập thể, cá nhân làm theo gương Bác. Tại Phòng Quản lý đô thị quận không còn tình trạng bản vẽ mới nhận trễ hạn và bản vẽ nhận lại lần hai giải quyết đúng hẹn đạt trên 90%; công an quận cải tiến quy trình tiếp nhận đăng ký, giải quyết hộ khẩu sớm hơn từ 3-5 ngày và rút ngắn quy trình cấp đổi CMND xuống còn từ 3-5 ngày (theo quy định là từ 7-14 ngày); ông Châu Viêm (trụ trì Khánh Vân Nam viện ở phường 16) đóng góp hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội trong và ngoài quận… Cùng ngày, Quận ủy Phú Nhuận tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động và khen thưởng 100 tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc. Quận ủy quận 3 và quận 7 cũng đã khen thưởng cho 142 tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc làm theo Bác. Trong số đó có các vị chức sắc, tu sĩ của các tôn giáo giúp đỡ người dân, xây dựng đạo đức xã hội từ quá trình cảm nhận, làm theo tấm gương đạo đức của Người. Nhóm PVCT |