Năng động tạo niềm tin

Chỉ số PCI 2017 vừa được công bố cho thấy, lần đầu tiên ĐBSCL không còn “màu hồng yếu đuối. Điểm đặc biệt PCI năm nay là các tỉnh ĐBSCL đều tăng mạnh từ 0,5 điểm đến hơn 1 điểm về chỉ số tính năng động tiên phong của lãnh đạo.
Cuối tháng 3-2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Đáng chú ý có 5 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đứng trong tốp 10 địa phương có chỉ số cạnh tranh cao. Đồng Tháp tiếp tục là điểm sáng. Đây được xem là một sự chuyển biến đáng ghi nhận, tạo động lực cho châu thổ miền Tây phát triển. 
Gần gũi doanh nghiệp
Cách đây ít năm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhờ cán bộ văn phòng trang hoàng lại “bộ mặt” Văn phòng UBND tỉnh để sáng sớm tranh thủ tiếp doanh nghiệp trước khi họp hoặc đi công tác.
Chuyện đơn giản nhưng từ những buổi “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp” này, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được tháo gỡ kịp thời. Chỉ số “niềm tin” của doanh nghiệp dành cho lãnh đạo tỉnh cũng tăng dần khi sáng nào chủ tịch và các phó chủ tịch, đôi khi có cả Bí thư Tỉnh ủy đến đây trực tiếp nghe và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc và đề nghị các tỉnh học tập lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trong việc dành thời gian gặp gỡ doanh nghiệp.
Năng động tạo niềm tin ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình hội quán ở Đồng Tháp. Ảnh: XUÂN HIẾU
Những ngày cuối tháng 3-2018, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Sau Đồng Tháp, đến lượt lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp trình bày khó khăn thông qua quán cà phê doanh nhân.
Cụ thể mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung hơn một lần “xin lỗi các doanh nghiệp vì cấp dưới của mình còn phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp!”.
Tương tự, Cần Thơ với những nỗ lực cải cách hành chính và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật cán bộ, đã yêu cầu các cơ quan hàng tuần dành ngày thứ hai để tiếp nhận và lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.
Điều tra PCI 2017 ghi nhận kết quả tích cực, 72% doanh nghiệp cho biết các vấn đề của mình được giải quyết kịp thời sau tiếp xúc, đối thoại, trên mức trung bình của cả nước là 67%. 84% doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết vướng mắc, kiến nghị của cơ quan thành phố.
Là địa phương từ hạng 12 (năm 2016), năm 2017 Bến Tre vươn lên hạng 5. Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để thực hiện mục tiêu đó, trong năm 2017, Bến Tre đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thông qua nhiều hoạt động cụ thể.
Đặc biệt, thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh được rút ngắn. Bình quân thời gian cấp phép đăng ký thành lập doanh nghiệp còn 1,5 ngày. Nhiều trường hợp giải quyết trong một buổi khi đảm bảo đủ hồ sơ.
Kết nối nông dân
“Chỉ số PCI 2017 vừa được công bố cho thấy, lần đầu tiên ĐBSCL không còn “màu hồng yếu đuối”. Điểm đặc biệt PCI năm nay là các tỉnh ĐBSCL đều tăng mạnh từ 0,5 điểm đến hơn 1 điểm về chỉ số tính năng động tiên phong của lãnh đạo.
Thậm chí nếu cả nước đang lo ngại về tính minh bạch và thiết chế pháp lý... thì các tỉnh ĐBSCL lại tăng. Đây là vùng khó khăn nhưng với đà này thì tin rằng yếu tố “mềm” trong quản trị nhà nước sẽ giúp ĐBSCL tăng trưởng tốt hơn”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, chia sẻ. 
Câu chuyện nông dân Đồng Tháp lập hội quán đã ra đời vài năm nay. Hội quán là nơi những nông dân chân đất họp mặt chia sẻ kinh nghiệm, bàn cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trăn trở: “Tiếp cận tri thức không chỉ là nhu cầu của giới tinh hoa, mà còn của hàng triệu nông dân. Đừng để họ bị bỏ rơi trong cuộc cách mạng tri thức. Khi nông dân lập hội quán trao đổi kinh nghiệm, bàn cách thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm diện tích lúa vụ 3…, doanh nghiệp và các nhà khoa học cũng rất thích và tìm đến hội quán trao đổi với người dân”.
Những nông dân tham gia hội quán có thể gặp mặt ở ngôi chùa, mái đình, nhà vườn… để bàn về sinh kế. Ông Lê Minh Hoan đặt niềm tin vào mô hình hội quán vì nó là cách tiếp cận tri thức hữu hiệu nhất với nông dân. Cũng chính vì vậy mà mới đây đích thân ông Lê Minh Hoan đã vận động tặng hàng chục máy tính bảng cho nông dân tham gia hội quán.
Ông Hoan nói đơn giản: “Các máy tính bảng này là dụng cụ hữu hiệu để nông dân trình chiếu và học hỏi nông nghiệp xứ mình, xứ người”. Đối với nông dân hẳn đó là cách tiếp cận cuộc “cách mạng tri thức” khả thi nhất!
Học hỏi cách làm hay chính đáng, luôn tạo động lực để xã hội phát triển. Từ quán “cà phê” Đồng Tháp đến Bạc Liêu ít nhiều có sự lan tỏa, tạo ra môi trường thông thoáng cho giới đầu tư. Chỉ số niềm tin, năng lực cạnh tranh, phải chăng bắt đầu từ những người lãnh đạo tâm huyết “chăm bồi” từ những hội quán của nông dân đến cà phê với doanh nhân như Đồng Tháp đã làm! 
Giờ người ta nói nhiều về cuộc “cách mạng 4.0” nhưng thử đặt câu hỏi: Làm gì để nông dân không bị bỏ rơi trong “cuộc chơi” này? Người ta cũng nói nhiều về thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhưng bằng cách nào để thay đổi tư duy sản xuất của hàng triệu nông dân? Đó là một bài toán khó! Phải chăng, mô hình hội quán ở Đồng Tháp đã phần nào giải đáp được câu hỏi. Và càng không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm mô hình hội quán và nghe người dân bàn bạc, đưa ra các sáng kiến của cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục