Nặng lòng sóng nước Cửu Long

“Người miền Tây
Nặng lòng sóng nước Cửu Long

Nhà thơ Lê Chí

Lê Chí cả đời gắn bó với miền Tây Nam bộ. Ông là một trong những nhà thơ “chín muộn” của thế hệ chống Mỹ và là gương mặt thơ tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long nửa thế kỷ qua. Chín muộn trong chiến tranh nhưng ông lại tiên phong đổi mới thơ trong hòa bình.

“Người miền Tây

Mỗi lần xuống Cần Thơ, có hai bậc đàn anh mà tôi không thể không gặp. Đó là hai nhà thơ Lê Chí và Phù Sa Lộc. Hai ông không sinh trưởng ở Cần Thơ nhưng lại chọn đất này để gắn bó phần lớn cuộc đời và chơi rất thân nhau. Gần đây, nhà thơ Phù Sa Lộc sau khi người bạn đời mất, ông đã rời trung tâm thành phố về sống với gia đình người con gái ở vùng ngoại ô hẻo lánh nên khó gặp. Còn nhà thơ Lê Chí “mồ côi vợ” từ lâu vẫn sống một mình tại căn nhà đơn sơ thoáng mát trong một con hẻm đường 30 Tháng 4 giữa lòng thành phố. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của giới văn chương Cần Thơ và ĐBSCL cũng như cả nước mỗi khi đến Tây Đô.

Nặng lòng sóng nước Cửu Long ảnh 1

Nhà thơ Lê Chí (bên phải) với tác giả tại lễ phát động cuộc thi phóng sự - ký sự của Báo SGGP ở Cần Thơ

Một trưa giữa tháng 10-2015, khi đến Cần Thơ chuẩn bị cho lễ phát động cuộc thi phóng sự - ký sự “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam” tại ĐBSCL do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, tôi gọi điện ngay cho hai nhà thơ - nhà báo Phù Sa Lộc và Lê Chí. Phù Sa Lộc ở hơi xa, không có xe, lại đang giữ cháu ngoại nên không thể đến dự được. Vốn là người kỹ tính trong sáng tác lẫn đời thường, ông ít muốn xuất hiện nơi đông đúc và chẳng mấy khi chịu trả lời phỏng vấn báo đài. Do đó, sự có mặt của nhà thơ Lê Chí tại lễ phát động cuộc thi gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Ở thời điểm này, nếu có một người hiếm hoi trong giới văn chương am hiểu từng vùng đất, từng địa danh ở miệt đồng bằng từ thời bom đạn thì có lẽ không ai hơn Lê Chí. Ông từng là Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ phụ trách văn học và tạp chí Sông Hậu thuộc Khu ủy khu Tây Nam bộ, Lê Chí đã bí mật lặn lội khắp vùng sông nước giữa vòng vây của đối phương, mà nơi ông gắn bó nhiều nhất là Trà Vinh, một điểm nóng ác liệt đã giúp nhà văn Nguyễn Thi viết nên tác phẩm nổi tiếng Người mẹ cầm súng.

Nhà thơ Lê Chí trầm tư rằng, bây giờ nói đến miền Tây Nam bộ, người ta hay nghĩ đến một vùng thiên nhiên trù phú, song người dân ít chịu học, nhiều cô gái trẻ đi bán bia, lấy chồng xứ Đài xứ Hàn, rồi nhiều chuyện buồn phiền khác mà báo chí kiểu lá cải thường khai thác. Tuy nhiên, bên cạnh những hiện tượng tiêu cực thì ĐBSCL có rất nhiều cái hay cái đẹp ở từng con người, từng vùng đất hội tụ mấy trăm năm qua. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhờ hệ thống giao thông với nhiều cầu đường lớn được xây dựng đã nối kết đồng bằng với TPHCM, giúp cho vùng đất rộng lớn này đổi thay từng ngày. Vì vậy, cuộc thi phóng sự - ký sự của Báo Sài Gòn Giải Phóng đến đúng lúc, hết sức cần thiết, kích thích cho các tay bút, tay máy có cảm hứng sáng tác, ghi lại và quảng bá hình ảnh sinh động của quá khứ lẫn hiện tại của vùng đất mới phương Nam.

Nhà thơ tiên phong đổi mới của đất Chín Rồng

Chiều hôm sau ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động cuộc thi phóng sự - ký sự, nhà thơ Đặng Hoàng Thám đã chở tôi đến thăm nhà thơ Lê Chí. Vẫn căn nhà cấp bốn quen thuộc ấy nhưng bây giờ ông chỉ cô đơn một mình. Căn nhà tuy vẫn đơn sơ nhưng bây giờ sách và bộ sưu tập tranh tượng trông đầy đặn hơn, với một khoảng xanh phía trước gồm nhiều loại cây, hoa như ở một chốn quê nào đó. Một không gian ấm áp, thanh tịnh như tính cách lặng lẽ khiêm nhường của Lê Chí. Chủ nhà lấy ra chai rượu thuốc và một đĩa khô trâu đãi khách. Ông bảo đó là quà bạn bè tặng.

Rượu ngon. Khô trâu thơm. Câu chuyện thi ca cũng bắt đầu. Cao hứng, nhà thơ Lê Chí lên máy vi tính in một sáng tác mới đưa tôi xem. Thoạt đầu tôi tưởng là thơ ông viết trong chuyến giao lưu văn học ở Mỹ vừa qua, nhưng không, đó là Bài thơ của em bé sửa giày dép mà ông lấy cảm hứng từ tin tức thời sự của một tờ báo ở TPHCM. Mở đầu bài thơ dài này ông viết: “Bên kia đường chợ Bàn Cờ kẻ bán người mua chộn rộn/ Đầu hẻm bên này thằng Beo lúi húi cạnh gốc cột đèn/ Sau tấm bảng cỡ bằng bìa sách:/ Nhận!/ Sửa giày dép miễn phí/ Cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác/ Và người khiếm thị”.

Ngạc nhiên trước lòng tốt của cậu bé nghèo thất học bỏ quê lên thành phố sửa giày kiếm sống mà vẫn chia sẻ với những người lao động khó khăn như mình, nhà thơ Lê Chí kết luận: “Tôi gọi mấy dòng chữ này của Beo là bài thơ chắc nịch, bài thơ hành động - nói là làm. Ước gì đời thơ viết được vài câu ai cũng cảm nhận được sự thực lòng đến tận cùng như vậy. Ấy là tôi nói vui, chớ Beo nào có làm thơ. Thế mà những câu chữ ngắn ngủi ấy còn xúc động hơn cả những bài thơ lòng vòng đánh đố, đọc tới đọc lui mãi cũng không sao hiểu nổi họ muốn nói điều gì…”.

Một sự chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời, tình người và cả quan niệm về thi ca. Đối với ông, dù cách tân đến đâu, một bài thơ hay phải giúp người đọc cảm và hiểu được thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm. Trong lúc không ít người làm thơ thuộc thế hệ ông và sau này ở miền Tây Nam bộ có phương thức biểu hiện thơ còn khá cũ thì từ lâu Lê Chí như “một mình một ngựa” vừa bám sát thực tế đời sống vừa cố gắng đột phá sáng tạo, từ hình thức đến nội dung, trình làng những bài thơ rất mới.

Chẳng hạn bài Vẽ chim viết tặng người bạn hoạ sĩ. Từ rừng núi chiến khu xa xăm, họa sĩ mang về “chút báu vật cuối cùng là tiếng chim bìm bịp” và trong mấy mươi năm hòa bình, tiếng chim “nhắc mình những lúc ngủ quên” quá khứ hùng tráng và đau thương. Thế nhưng một ngày: “chợt giữa phố tiếng chim như tiếng khóc/ linh ứng rừng/ thăm thẳm giấc mơ”, vì sau đó bọn trộm lẻn vào bóp cổ giết chim, để lại trong lòng hoạ sĩ nỗi trống vắng khôn nguôi từng đêm dài, và “thương bìm bịp ông vẽ bằng tâm tưởng/ sắc vàng sắc đen thô mộc chập chờn/ tiếng chim đâu đây/ gần lắm”.

Không có vốn sống, không thấu hiểu nỗi đau của con người và thiên nhiên thì không thể viết được một bài thơ hay như Vẽ chim của Lê Chí. Thơ ông luôn thấm đẫm tình yêu thương, nặng trĩu nỗi suy tư về lịch sử từng cảnh vật, từng số phận của vùng đất mới sông nước Chín Rồng.

Có thể nói Lê Chí là một trong những nhà thơ “chín muộn” của thế hệ chống Mỹ và là gương mặt thơ tiêu biểu của ĐBSCL nửa thế kỷ qua. Chín muộn trong chiến tranh nhưng ông lại tiên phong đổi mới thơ trong hòa bình. Ở giữa tuổi thất tuần, sức nghĩ sức viết của ông càng chín muồi, càng mới mẻ. Mừng cho ông, mà cũng mừng cho đời sống thi ca miền Tây vẫn còn ngọn cờ đầu Lê Chí.

Nhà thơ Lê Chí tên thật Lê Chí Trường, sinh năm 1940 ở Cà Mau, từ năm 1988 lên quê vợ ở Cần Thơ sinh sống. Đến nay, ông đã xuất bản 8 tập thơ: Cô gái đánh xe bò (1976), Những con đường lặng im (1985), Hoa quỳnh (1989), Ngẫm nghĩ cà phê (1990), Khuya xa (1990), Ngày ấy (1996) và gần đây là Thời gian (2012), Hạc (2013) khá ấn tượng, khác biệt so với mặt bằng chung của thơ miền Tây và thế hệ ông.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục