Làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tăng năng lực phục vụ dân, đó là vấn đề thu hút sự quan tâm khi góp ý cho đề án thí điểm chính quyền đô thị. Đó cũng chính là điều kiện cần thiết nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… nhằm mang lại lợi ích cho dân - những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
Đề án thí điểm chính quyền đô thị có tính đến quy hoạch không gian đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật sao cho phù hợp, có tính đến hình thành 4 thành phố trực thuộc; có tính đến việc quản lý sao cho tiện ích, không phải cắt khúc theo địa giới hành chính như hiện nay gây không ít khó khăn cho người dân, ví như - nhà ở đối diện với một trường học nhưng phải đưa con đi học ở một trường khác xa hơn vì khác quận. Khi thực hiện chính quyền đô thị vẫn giữ khu vực nông thôn ngoại thành với 3 huyện - vùng đệm xanh quý giá của thành phố.
Chính quyền đô thị cần có cơ chế quản lý phù hợp, tổ chức, bộ máy được sắp xếp khoa học, có chức năng, nhiệm vụ không chồng chéo. Xem xét các mô hình chính quyền địa phương trên thế giới, nhiều người cho rằng cần nghiên cứu mô hình của Đức, họ phân chia quyền lực theo kiểu việc gì, cái gì địa phương làm tốt thì giao cho địa phương làm, cấp này làm thì cấp kia không làm; cái gì để các tổ chức, xã hội làm. Trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu phải được làm rõ. Có nhiệm vụ, có quyền, có điều kiện thực hiện thì sẽ giảm thời gian hội họp, chỉ đạo, xin - cho. Một khi quyền gắn với trách nhiệm thì dễ thấy năng lực cán bộ, dễ thấy địa chỉ yếu kém… Theo mong muốn của người dân, chính quyền đô thị phải khắc phục được tình trạng khi phát hiện một “hố tử thần” cần xử lý thì có đến 17 cơ quan, đơn vị liên quan trách nhiệm, khắc phục tình trạng thấy đổ rác ra đường, thả chó chạy rong… mà không biết kêu ai.
Đề án chính quyền đô thị cần làm rõ cơ chế nào còn vướng và hướng xử lý. Việc xung đột với 102 văn bản pháp luật hiện hành cũng cần có những đề xuất, tháo gỡ. Nhiều góp ý có lý khi cho rằng vướng mắc cần tháo gỡ nhất là việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó quyền tự chủ về ngân sách, về nhân sự... Thành phố phải có thực quyền hơn về ngân sách, trong đó phần nào thuộc Trung ương giao phải chấp hành, phần nào thành phố được chủ động, không thì rất khó giải được bài toán thiếu vốn đầu tư - nhất là đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Về nhân sự, chủ tịch thành phố phải có thực quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm giám đốc sở. Giám đốc sở phải có thực quyền và chịu trách nhiệm cuối cùng về lĩnh vực mình phụ trách, chứ không phải đóng vai trò chủ yếu là tham mưu như hiện nay.
Quyền và năng lực phục vụ dân chính là đòi hỏi chính đáng nhằm xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả. Trong đó có việc phân công, phân cấp rõ ràng, mạch lạc, rõ việc, rõ người. Trong đó chất lượng nguồn nhân lực phải được đảm bảo và cần thiết có một đề án riêng về nhân sự.
Làm thế nào để chính quyền địa phương, chính quyền đô thị có năng lực phục vụ dân? Vấn đề cần được tháo gỡ về cơ chế, thể chế, về phân cấp, chứ không nêu một cách chung chung hay chỉ là việc ủy quyền trên một số lĩnh vực mà trong thực tế không thể thực hiện được.
Là một đô thị loại đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, thành phố luôn đứng trước sự đòi hỏi cao của cả nước và của tự mình. Sự đồng thuận về chủ trương, đồng hành trong tổ chức thực hiện là điều không thể thiếu. Truyền thống kiên cường, năng động sáng tạo của người dân nhất định sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực, dẫu rằng “thuyền lớn, sóng lớn” nhưng có đi là có đến.
Thành phố khó có thể xin Trung ương thêm tiền, chỉ xin những cơ chế thông thoáng để phát triển xứng tầm. Và đề án thí điểm chính quyền đô thị chính là đề án cho sự phát triển đi lên của thành phố trong cuộc chạy đua với các đô thị trong khu vực. Không chủ quan nóng vội, nhưng cũng phải có những bứt phá trông thấy. Với sự nung nấu và kỳ vọng, đề án cần được chuẩn bị kỹ càng và khẩn trương. Cùng với việc tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi, rất cần quy tụ các chuyên gia, các nhà khoa học, rất cần có sự phản biện để hoàn thiện. Tất cả cho một đề án phát triển có cơ sở khoa học, thực tiễn và hợp lòng dân.
PHẠM PHƯƠNG THẢO