Nâng sức cạnh tranh của hàng Việt

Chiều 25-8, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (BCĐ CVĐ) TPHCM đã họp sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện CVĐ trên địa bàn TP. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM kiêm Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Nâng sức cạnh tranh của hàng Việt

Chiều 25-8, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (BCĐ CVĐ) TPHCM đã họp sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện CVĐ trên địa bàn TP. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM kiêm Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Băn khoăn tỷ lệ người Việt dùng hàng Việt

Theo nhận định của BCĐ, việc triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn TPHCM đã đi vào nề nếp, tích lũy nhiều kinh nghiệm, có cách làm hay, sáng tạo, đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, mặt trận và đoàn thể được duy trì với nhiều hình thức, nội dung phong phú đã tác động từng bước đến nhận thức của người tiêu dùng theo hướng quan tâm và chọn lựa mua sắm các mặt hàng trong nước sản xuất. Chương trình hành động thực hiện CVĐ gắn với Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) ngày càng phát huy hiệu quả, hàng Việt có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và ổn định. Thông qua các nhóm giải pháp, CVĐ đã góp phần nâng vị thế hàng Việt trên thị trường…

Nhiều mặt hàng trong nước đã được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: Cao Thăng

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, việc tuyên truyền trên báo chí về CVĐ trong thời gian qua là đạt yêu cầu. Kênh truyền hình HTVCo.op đã có sự cải tiến đáng kể về nội dung đưa thông tin với nhiều hình thức khá hấp dẫn. Doanh số bán ra của HTVCo.op ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2015, HTVCo.op đã hoàn chỉnh biểu giá để các DN quảng cáo trên kênh này thuận lợi hơn, vì giá quảng cáo thấp hơn nhiều so với các kênh khác, nhưng không có nhiều DN tham gia, hiện nay sở đang kiểm tra, làm rõ vì sao DN không mặn mà quảng cáo trên kênh này. Thời gian tới, HTV Co.op có thể sẽ được phát sóng đến một số tỉnh, thành, đồng thời phát online trên mạng di động để người tiêu dùng có thể đặt mua hàng Việt dễ dàng hơn.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng đang rất băn khoăn về tỷ lệ cũng như cách tính tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị như thế nào cho hợp lý. Ví dụ, một siêu thị kinh doanh bình quân khoảng 30.000 mã hàng hóa, trong đó hàng nhập khẩu chỉ khoảng 1.000 mã hàng thì không thể nói đó là hàng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. “Quan điểm của tôi là không bài bác hàng ngoại. Vấn đề đặt ra là kiểm tra chất lượng hàng ngoại vào siêu thị liệu có chặt chẽ hay chưa và cách tuyên tuyền ra sao để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng hàng Việt. Hiện nay có thể nói gần 100% người Việt là dùng hàng Việt chứ không phải hàng ngoại. Nếu nói mới chỉ có khoảng 60% - 70% số người dân quan tâm đến hàng Việt là chưa đầy đủ”, bà Lê Ngọc Đào nhấn mạnh.

Tạo cơ chế, chính sách hướng vào sản xuất

ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết, CVĐ đã có những chuyển biến tích cực từ nhiều phía, cả DN sản xuất và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng ta không nên lẫn lộn giữa việc thực hiện các chương trình với CVĐ. Hiện sức cạnh tranh của hàng Việt còn rất yếu, làm thế nào để hỗ trợ đầu vào cho DN sản xuất ra nhiều sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh mới là gốc của vấn đề.

Để CVĐ đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần kiện toàn lại bộ máy BCĐ CVĐ, đồng thời phát triển BCĐ đến các quận, huyện là việc cần làm. Thực tế chỉ ra rằng, ở quận, huyện nào tổ chức được BCĐ thì nơi đó thực hiện CVĐ đạt hiệu quả cao. Chúng ta cần tập trung mạnh hơn nữa cho sản xuất và cần có cơ chế, chính sách, vốn, mặt bằng, lãi suất, thuế cho từng đối tượng, từng DN để họ yên tâm đầu tư. Ngược lại, các DN cũng phải đáp ứng những điều kiện và định lượng cụ thể từ Nhà nước đưa ra chứ không nói chung chung. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải mạnh tay hơn trong việc chống hàng gian, hàng giả vì DN đã bỏ công xây dựng thương hiệu nhưng lại bị làm nhái công khai, làm nản lòng DN…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, tiến trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như việc ký kết, thực hiện các cam kết từ hiệp định song phương và đa phương đang diễn ra mạnh mẽ, do vậy việc triển khai, thực hiện CVĐ cũng tìm cách làm mới. Đó là tiếp tục quán triệt chủ trương và mục đích của CVĐ trong cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể và DN, đến các đối tượng tiêu dùng. Tiến hành xây dựng văn hóa tiêu dùng, từ đó giúp các DN định hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, cạnh tranh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ: “TP sẽ hỗ trợ tốt nhất cho DN nâng cao sức cạnh tranh. Nhưng cách triển khai thực hiện như thế nào thì phải có sự tính toán kỹ giữa các sở, ngành chức năng cũng như các thành viên trong BCĐ CVĐ. Nhà nước cũng đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các DN, thể hiện qua từng sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu. Với sự đồng thuận của Nhà nước và sự vào cuộc mạnh mẽ của DN, CVĐ sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh”.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục