Âm nhạc tài tử được sinh ra từ những hoạt động của phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) trong cộng đồng cư dân khu vực phía Nam. Nội dung của các hoạt động ĐCTT phục vụ lợi ích của công chúng trong từng thời đoạn lịch sử cụ thể. Đáp ứng thẩm mỹ âm nhạc tài tử của công chúng, nghệ thuật ĐCTT luôn được phát huy, phát triển, cập nhật, theo quá trình tiếp biến, giao lưu âm nhạc trong cũng như ngoài nước. Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ các tiết mục, chương trình ĐCTT mới của công chúng rất cao, để cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới. Muốn có được chất lượng cao trong các sinh hoạt ĐCTT, việc truyền nghề biểu diễn âm nhạc tài tử trong hoạt động ĐCTT cộng đồng là một trong những khâu quan trọng nhất, cần được quan tâm. Việc truyền nghề trong hoạt động ĐCTT hiện nay thuộc về các nghệ nhân, nhạc sĩ có uy tín chuyên môn. Người thầy truyền dạy cho người học nghệ thuật ĐCTT, không chỉ biết đờn, biết ca, để tham gia các buổi sinh hoạt, mà còn phải đờn ca điêu luyện. Hơn nữa, người tài tử phải đem nghệ thuật đờn ca điêu luyện của mình phục vụ công tác xây dựng đời sống mới trong cộng đồng, được công chúng ái mộ, tạo được năng lực thu hút sự quan tâm, thưởng thức của xã hội.
Cách truyền nghề mà các nghệ nhân, nhạc sĩ ĐCTT từng vận dụng trong việc đào tạo thế hệ kế thừa là truyền khẩu, truyền ngón, trên nền tảng lòng bản, còn được gọi là phương pháp trực truyền. Đây là một trong các cách truyền nghề có hiệu quả cao, trong truyền thống âm nhạc Việt Nam.
Trong suốt quá trình truyền nghề, cũng như cả cuộc đời hoạt nghệ thuật, người thầy cũng như người học nhạc tài tử phải luôn tâm tâm niệm một số vấn đề cơ bản như sau:
Âm nhạc tài tử là nghệ thuật kết hợp âm thanh để phục vụ đời sống con người. Từ ý nghĩa đó, phong cách ĐCTT cũng nhằm mục đích tôn vinh tinh thần hướng tới cái thật, cái tốt, cái đẹp, xây dựng nhân cách hòa nhã trong một cộng đồng đang hướng tới tương lai tươi sáng. Và, người hoạt động ĐCTT cũng phải nhận thức rằng, âm nhạc tài tử không phải để giải trí một cách vị kỷ. Mọi lối chơi đờn ca có tính ganh tỵ, đố kỵ, kỳ thị, tự tôn, cục bộ, kinh doanh… đều không phải là “phong cách ĐCTT”.
Người hoạt động ĐCTT qua sáng tác, biên soạn lời ca đều chọn tứ, dàn ý, câu từ sao cho nội dung bài ca có tác động hướng người thưởng thức đến một tầm cao hơn của cách ứng xử. Cũng vậy, nghệ nhân, nhạc sĩ hoạt động ĐCTT qua sáng tác bản nhạc cũng chọn những âm hình tiết tấu, hình thức âm nhạc sao cho tác phẩm âm nhạc của mình vừa mang đậm tính truyền thống dân tộc, vừa gần gũi với xu thế phát triển, thẩm mỹ âm nhạc cùng thời.
Trong sinh hoạt cộng đồng, người chọn tiết mục, dàn dựng chương trình ĐCTT có một vai trò hết sức quan trọng. Sinh hoạt ĐCTT trong trường hợp này phải đặc biệt quan tâm đến tính cộng đồng, sao cho khán thính giả buổi ĐCTT có một món quà tốt đẹp trong tư duy, khi buổi biểu diễn kết thúc. Một buổi đờn ca, với những bài ca, bản nhạc rời rạc về ý nghĩa, nội dung chương trình không mang lại một hướng vươn lên cho người thưởng thức, thì đây không được gọi là buổi sinh hoạt ĐCTT.
Song song đó, người hoạt động ĐCTT yêu quý, thưởng thức các tiết mục ĐCTT đóng vai trò quan trọng trong hưởng thụ văn hóa ĐCTT, đồng thời góp phần định hướng phát triển phong trào ĐCTT. Do đó, người thưởng thức ĐCTT cũng được “dạy”, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thẩm mỹ âm nhạc tài tử, bao gồm nghệ thuật biểu diễn, trong đó có cả nét đẹp nội dung lời ca, lẫn tinh hoa của nét nhạc.
Sinh hoạt ĐCTT qua việc sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình cũng cần sắp xếp theo thời gian những bài ca, bản nhạc có nội dung tốt, được lưu hành rộng rãi trong đời sống văn hóa xã hội; tôn vinh những bài ca có nội dung tốt, ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình xây dựng nhân cách đẹp; nghiên cứu sâu quá trình vận động của không gian tài tử, hệ thống lý luận chuyên ngành âm nhạc tài tử, để làm nền tảng cho sự phát triển âm nhạc truyền thống dân tộc. Đồng thời, tôn vinh những điểm son, phê phán những điểm hạn chế trong sinh hoạt ĐCTT; đưa lịch sử âm nhạc tài tử vào chương trình đào tạo để giúp học sinh thêm nhiều hiểu biết và yêu thích ĐCTT.
Kinh nghiệm truyền nghề trong hoạt động ĐCTT là một kho tàng rộng lớn, vô giá về nghệ thuật ĐCTT của nhiều thế hệ tài tử để lại, nằm trong các nghệ nhân đang sinh hoạt ở các hoạt động ĐCTT trên cả nước, cũng như hải ngoại. Thiết thực phát huy kinh nghiệm quý báu này, các câu lạc bộ ĐCTT các cấp cần tổ chức, thu hút kinh nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau, để xây dựng phát huy phong trào ĐCTT của địa phương, phục vụ lợi ích cùa cộng đồng, tạo sức gắn kết mạnh mẽ trong toàn xã hội, thông qua các chương trình, các buổi sinh hoạt và mọi hoạt động ĐCTT. Ngành văn hóa, các hội văn học nghệ thuật, các trung tâm nghiêm cứu âm nhạc dân tộc… cần quan tâm tổ chức, tập hợp các nghệ nhân có kinh nghiệm, đúc kết thành quả truyền nghề trong quá khứ, định hướng, phổ biến kinh nghiệm, qua các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng, thông qua sách, báo, các phương tiện truyền thông đương đại chúng… cùng tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nghệ thuật ĐCTT - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lên tầm cao mới, tầm cao chất lượng.
Thạc sĩ - nhạc sĩ HUỲNH KHẢI
(Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM)